Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay: Vẫn là “nhìn trước, ngó sau”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đồng thuận của các ngân hàng, bắt đầu từ tháng 7 này, các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay. Cũng như những lần “đồng thuận” trước, ngân hàng vẫn “nhìn trước, ngó sau”, việc giảm lãi các ngân hàng sẽ căn cứ tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, để có mức giảm phù hợp.

Ảnh minh họa
Lý do, ngân hàng vẫn còn tồn nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn có nguy cơ tăng buộc ngân hàng phải “neo” lãi suất cao. Tăng trưởng tín dụng đã tăng trở lại, thanh khoản các ngân hàng không còn dồi dào như trước... Vì thế, dù hưởng ứng kêu gọi, vận động từ phía Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay nhưng đi kèm với đó, các ngân hàng cũng đề nghị cấp thêm room (hạn mức) tín dụng trong những tháng cuối năm 2021. Nếu được nới các ngân hàng sẽ có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn.

Thực tế, lãi suất huy động đang ở mức thấp; lãi suất huy động đã giảm khoảng 2 - 2,5% trong năm qua, trong khi lãi suất cho vay mới giảm từ 1 - 1,5%. Do đó việc ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay để bảo đảm công bằng, kích thích kinh tế phát triển là điều nên làm. Đứng trước tình hình kinh doanh bất ổn, nhiều DN rất cần được giảm lãi vay để giảm bớt khó khăn.

Trước thông tin ngân hàng giảm lãi suất, nhiều DN cũng chưa vội mừng. Việc giảm lãi vay có diễn ra trên diện rộng và giảm nhiều hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. DN có đáp ứng được tiêu chí, điều kiện hưởng thụ được dòng vốn giá rẻ hay không lại là vấn đề. Hiện mức giảm lãi suất cho vay chỉ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có thể giảm thêm lãi vay đối với các khách hàng VIP, có lịch sử giao dịch và có khả năng tài chính tốt với ngân hàng. Còn lại những lĩnh vực khác vẫn phải theo thỏa thuận và vượt ngoài khả năng sinh lời của DN.

Câu chuyện lãi suất là quyền của các ngân hàng thương mại. Trừ lãi suất được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ với các đối tượng chính sách... thì họ có quyền quyết định cho ai vay, cho vay như thế nào, với lãi suất bao nhiêu. Nhưng ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh. DN trụ vững thì ngân hàng mới khoẻ. Và DN khỏe nền kinh tế mới khỏe. Từ năm 2020 đến nay, cả nước có vài chục nghìn DN, hộ kinh doanh phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19. Trong khi đó, ngành ngân hàng liên tục đạt lợi nhuận lớn. Phải làm sao thể hiện được trách nhiệm với xã hội, tích cực hơn, thiết thực hơn trong việc cơ cấu, giãn, hoãn lại nợ với các khoản đến hạn cũng như giảm lãi suất cho DN.

Thực tế nhiều DN đang khó khăn chồng chất, đơn hàng bị cắt giảm, thiếu hụt lao động, giá sắt thép, xăng dầu, nguyên liệu đầu vào đã tăng khá mạnh, chi phí logictisc cao… Điều lo ngại hiện nay là tình trạng đa số DN cắt giảm công suất hoạt động với mức độ ngày càng tăng. Trong khi đó, ngành điện cũng có lợi nhuận tăng gấp 3, ngành ngân hàng, viễn thông báo lãi hàng nghìn tỷ… Hơn lúc nào hết cần trách nhiệm xã hội của các tất cả các ngành, các DN điện, viễn thông, ngân hàng… đồng hành cùng người dân và DN để giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ chuyển đổi số, cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu kép.