Ngân hàng số trên đà tăng tốc

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thói quen của người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch mạnh từ “offline” sang “online” và thanh toán không dùng tiền mặt. Dự báo, thời gian tới, làn sóng chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.

Tăng trải nghiệm, tiết kiệm chi phí

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, so với cùng kỳ năm 2022, trong 5 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng, qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị.

Đối với hình thức thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%. Nhiều người dùng cho biết các dịch vụ số của ngân hàng hiện nay mang đến những trải nghiệm mới cũng như thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày.

Chuyển đổi số ngành ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Ảnh minh hoạ
Chuyển đổi số ngành ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Ảnh minh hoạ

Mới đây, 8 ngân hàng cùng ra mắt dịch vụ rút tiền ATM qua VietQRCash. NAPAS đã phối hợp các ngân hàng thành viên hoàn thiện phát triển dịch vụ rút tiền qua ATM liên thông giữa các ngân hàng bằng mã VietQR (tên dịch vụ VietQRCash).

VietQR được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn cơ sở QR Code do NHNN ban hành để áp dụng chung cho toàn thị trường, nhằm kết nối chuyển mạch các giao dịch thanh toán và chuyển tiền bằng mã QR giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán qua hệ thống NAPAS.

Tổng số lượng ATM của các ngân hàng đầu tiên triển khai dịch vụ VietQRCash chiếm hơn 60% tổng số lượng ATM hiện có trên thị trường sẽ là điều kiện thuận lợi giúp khách hàng gia tăng trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ mới. Sau khi dịch vụ VietQRCash mở rộng ra toàn thị trường trong năm 2023, sẽ có khoảng 100 triệu chủ thẻ có thể rút tiền tại mọi ATM mà không cần thẻ vật lý.

Chuyển đổi số trong ngân hàng hay chuyển đổi số Digibank là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng sẽ mở ra nhiều cơ hội đáng kể cho ngành tài chính ngân hàng. Đó là tăng trải nghiệm khách hàng, đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và mong muốn của khách hàng; Chuyển đổi số giúp tổ chức tài chính tự động hoá các quy trình nội bộ, từ quản lý tài sản, giao dịch đến kiểm soát rủi ro; Cơ hội khai thác dữ liệu. Chuyển đổi số cung cấp một lượng lớn dữ liệu từ khách hàng và giao dịch tài chính. Các tổ chức tài chính có thể sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn để khai thác thông tin quan trọng và hiểu rõ hơn về hành vi khách hàng, xu hướng thị trường và các cơ hội kinh doanh. Phân tích dữ liệu giúp đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu chính xác và tối ưu hoá chiến lược kinh doanh.

Cuối cùng, chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và cạnh tranh. Các tổ chức tài chính phải sẵn sàng thích nghi với các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain) và internet vạn vật (IoT). Sự đổi mới liên tục và sáng tạo giúp các tổ chức tài chính duy trì cạnh tranh, tạo giá trị bổ sung cho khách hàng.

95% tổ chức tín dụng triển khai triển đổi số

Một trong những ngân hàng nỗ lực đi đầu trong công tác chuyển đổi số có thể kể đến là TPBank, với khoảng 80% khách hàng đang sử dụng các dịch vụ ngân hàng số (khoảng 6,5 triệu trên 8 triệu khách hàng cá nhân sử dụng các ứng dụng Mobile App, thực hiện các giao dịch trên web và các điểm giao dịch tự động TPBank LiveBank 24/7 hiện đã lên tới 450 điểm trên toàn quốc)… Một trong những chiến lược sắp tới của TPBank là tiến đến liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ứng dụng một loạt giải pháp về định danh, xác thực khách hàng trực tuyến. Đây cũng là mục tiêu mà Vietcombank đang hướng tới, bằng cách kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và áp dụng cơ chế thẩm định, phê duyệt tự động.

VietinBank cũng là ngân hàng tiên phong trong ứng dụng nền tảng ngân hàng mở. Thời gian qua, ngân hàng này ứng dụng thành công công nghệ tự động hóa robotics process automation (RPA) vào quy trình cho vay cầm cố sổ tiết kiệm với lượng hồ sơ tự động xử lý khoảng 3.000 hồ sơ mỗi tháng, giúp tiết kiệm 65% thời gian tác nghiệp.

Tại MBBank, nhờ chuyển đổi số mà năm 2022 ngân hàng này đã thu hút hơn bảy triệu khách hàng mới mở tài khoản, lên mốc hơn 20 triệu khách hàng, ghi nhận tỷ lệ giao dịch qua kênh số đạt tới mức 95%, doanh thu trên kênh số tăng trưởng gấp 2 lần so với năm 2021. Năm 2023, MBBank đặt mục tiêu tăng lượng khách hàng lên 25-27 triệu. Đến năm 2026, tham vọng đạt mốc 30 triệu khách hàng, trở thành một doanh nghiệp số với 50% doanh thu đến từ kênh số trong tương lai, dựa trên hai nền tảng chính là App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp).

 

Thống kê của NHNN, hiện có 95% tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, trong đó có những tổ chức tín dụng đã đạt 90% giao dịch khách hàng trên kênh số. Nhờ chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của một số ngân hàng giảm xuống 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực đang hướng tới.

Đề án cơ cấu lại ngành ngân hàng giai đoạn 2020-2025 cũng đặt ra mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, cùng với việc ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Người tiêu dùng ngày càng hướng tới công nghệ thông minh, an toàn và nhanh chóng hơn, do đó các ngân hàng cũng phải tự động hóa nhanh hơn, cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa và hướng tới nhu cầu khách hàng tốt hơn. Chính vì vậy, cuộc đua chuyển đổi số ngày càng khốc liệt, ngân hàng nào muốn giữ được thị phần, lợi thế cạnh tranh phải tập trung vào chiến lược phát triển ngân hàng số.

Dù có nhiều lợi ích, nhưng các ngân hàng cũng đối diện với một số vấn đề và thách thức. Theo Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam (VIDE). Đó là bảo mật thông tin. Thứ hai là sự ổn định và tính khả dụng của hệ thống. Nếu hệ thống không hoạt động một cách ổn định, có thể dẫn đến gián đoạn trong cung cấp dịch vụ và gây ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng. Thứ ba là khả năng thích ứng với các thay đổi công nghệ. Điều này đòi hỏi ngân hàng cần có chiến lược và kế hoạch linh hoạt để cập nhật, nâng cấp hệ thống, đồng thời đào tạo nhân viên dễ sử dụng công nghệ mới một cách hiệu quả.

Khó khăn về mặt pháp lý, đây là vấn đề đáng quan tâm nhất. Các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số chưa bắt kịp quá trình chuyển đổi số. Các quy định về tố tụng, sở hữu trí tuệ, hình sự chưa rõ ràng.

Lãnh đạo NHNN chia sẻ, thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh truyền thống cùng với việc có thêm nhiều kênh tương tác với khách hàng hiệu quả hơn. Cụ thể là các sản phẩm, dịch vụ mới, như: phát triển tính năng nộp/rút tiền trên máy giao dịch tự động; nộp/rút tiền mặt bằng căn cước công dân gắn chip; giải ngân trực tuyến dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thanh toán quốc tế trực tuyến ngay tại phía khách hàng; mở thẻ tín dụng qua tương tác giao dịch với robot, thanh toán chạm bằng điện thoại thông minh (tap to pay), thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán bằng giọng nói, khuôn mặt…