Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, ông Đỗ Bảo Ngọc- Nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock cho biết.
Áp lực tâm lý
Cuối tuần qua, sự kiện Silicon Valley Bank (SVB), một trong những ngân hàng lớn nhất vùng Silicon Valley và lớn thứ 16 ở Mỹ tuyên bố phá sản đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu. Hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư bị mắc kẹt.
Nói về những ảnh hưởng của SVB phá sản đến Việt Nam, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng hiện, Việt Nam không có ngân hàng cũng như DN niêm yết nào có mối quan hệ làm ăn kinh doanh với ngân hàng này nên tác động gần như là không có. Nếu có, thì chỉ là những ảnh hưởng về mặt tâm lý với nhà đầu tư.
Theo ông Ngọc, sau thông tin SVB phá sản, nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán thế giới có thể bi quan, lo ngại. Tâm lý này dẫn đến hành động bán bớt tài sản khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm. Hai phiên gần nhất, chứng khoán Mỹ đã lao dốc. “Các tác động về mặt tâm lý thường sẽ trong ngắn hạn. Còn việc quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nhà đầu tư trái phiếu, cổ đông và khách hàng SVB như thế nào, có lan tòa tâm lý tiêu cực đến các thị trường khác trong dài hạn hay không thì còn phải chờ thời gian”- ông Ngọc cho biết.
Trước đó, ngày 10/3, SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền trong tuần này do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng này. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cơ quan điều hành ngân hàng bang California ngay lập tức đóng cửa SVB và chỉ định Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) là nơi nhận tiền bán các tài sản của SVB sau này.
Theo thông báo của FDIC, trụ sở chính cũng như toàn bộ chi nhánh của SVB sẽ mở cửa lại vào ngày 13/3 và tất cả khách hàng có bảo hiểm sẽ được rút hết số tiền gửi có bảo hiểm, chậm nhất là trong sáng hôm đó. Tuy nhiên, theo FDIC, tính tới cuối năm 2022, 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB không có bảo hiểm và cơ quan này chưa biết tính sao với số tiền khổng lồ đó.
SVB chủ yếu phục vụ giới nhân viên công nghệ và công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty, như Roblox Corp – công ty sản xuất trò chơi điện tử, và Roku Inc – công ty sản xuất thiết bị xem video trực tuyến, cho biết họ gửi hàng trăm triệu USD ở SVB. Theo Roku, phần lớn tiền gửi của họ ở SVB không có bảo hiểm, khiến giá cổ phần của công ty sụt giảm tới 10%.
Cũng nói về các ảnh hưởng của việc SBV phá sản, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng, một trong những yếu tố cần lưu tâm tuần này là diễn biến thị trường thế giới, với việc sự kiện tại SVB có phải là hiện tượng cục bộ hay mang tính bất ổn hệ thống của ngành ngân hàng ở Mỹ? “Tôi đã xem xét cẩn trọng và có thể thấy SVB là trường hợp cục bộ và là ví dụ điển hình cho việc quản lý không tốt trong suy thoái, chứ không phải bất nguồn từ rủi ro hệ thống và khả năng thấp có thể gây nên một hiệu ứng dây chuyền”- ông Huy nhìn nhận.
Tìm cơ hội trong khó khăn
Một trong những điểm sáng của thị trường chứng khoán tuần qua là 4/5 phiên tăng điểm. Khối ngoại tích cực mua ròng trở lại. VN-Index giữ được ngưỡng hỗ trợ quanh 1.030 điểm. Nghị định 80 mới ban hành về trái phiếu DN cũng kỳ vọng sẽ tháo gỡ được một phần khó khăn trước mắt của thị trường này, đưa trái phiếu DN đặc biệt là trái phiếu bất động sản “hạ cánh mềm”. Đây cũng là thông tin hỗ trợ khối DN bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán.
Bên cạnh những thông tin hỗ trợ thì thị trường vẫn đứng trước rất nhiều khó khăn. Sắp tới, Fed sẽ tăng lãi suất, xác xuất tăng 50 điểm khá cao. Do đó nhiều nhà đầu tư đang bán ra các tài sản có rủi ro cao để giảm rủi ro và tìm kiếm giá trị trong các tài sản ít rủi ro hơn, chẳng hạn như trái phiếu với lợi suất hấp dẫn. Ngoài ra, việc SVB - nhà băng quản lý hàng trăm tỷ đô tại Mỹ chính thức phá sản cũng gây áp lực tâm lý lo ngại và sự tháo chạy trên dòng vốn đầu tư.
Dù khối ngoại quay lại mua ròng nhưng dòng tiền trong nước đang khá yếu, dòng tiền khối ngoại đang là động lức chính nâng đỡ thị trường. Bằng chứng là việc khối ngoại quay trở lại mua ròng trong tuần này đã nâng đỡ chỉ số VN-Index 28 điểm.
Báo cáo của Công ty chứng khoán SHS đưa khuyến nghị, hướng giải ngân tuần này vẫn là tập trung vào các cổ phiếu mạnh đang có xu hướng tích lũy, phục hồi sớm và tiếp tục duy trì uptrend, các cổ phiếu dẫn đầu ngành và vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay. Các nhà đầu tư có thể tận dụng giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm như hiện nay để tăng tỷ trọng giải ngân.