Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng triển khai vay ưu đãi, đẩy mạnh tín dụng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhờ tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất huy động, những ngày tháng 3/2024 các ngân hàng tăng cường các gói tín dụng với lãi suất thấp vào sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, mua nhà, tiêu dùng...

Loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay

Mới đây, SHB đã đồng loạt giảm lãi suất các gói vay ưu đãi xuống chỉ còn từ 5,79%/năm. Đây được xem là mức lãi suất cho vay cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm hiện nay.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, lãi suất vay được điều chỉnh giảm chỉ từ 6,39%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 5,79%/năm đối với khoản vay trung dài hạn. Đồng thời, với gói vay ưu đãi mua nhà, khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi giải ngân tới 90% giá trị bất động sản mua, thời gian vay lên tới 25 năm, thời gian ưu đãi lãi suất và ân hạn gốc kéo dài tới 24 tháng. Đặc biệt, với những khách hàng thân thiết, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của ngân hàng có thể được giảm thêm tối đa 1%/năm. Ngoài ra, SHB cũng bổ sung thêm 5.000 tỷ đồng vào gói vay dành cho khách hàng lên 23.000 tỷ đồng.

“Với việc giảm đồng loạt lãi suất các gói vay ưu đãi cũng như bổ sung thêm 5.000 tỷ đồng tín dụng cho khách hàng cá nhân trong giai đoạn này, SHB kỳ vọng khách hàng sẽ tiếp tục được tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ, thủ tục đơn giản để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức như hiện nay” - đại diện SHB nhấn mạnh.

Để kích cầu cho vay, nhiều ngân hàng cũng đã đưa ra các gói lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và đơn giản thủ tục cho vay.

Trong đó, NamA Bank triển khai mức lãi suất ưu đãi với khách hàng vay với mục đích phục vụ hoạt động kinh doanh lãi suất chỉ từ 7,0%/năm; vay cho nhu cầu tiêu dùng, lãi suất cho vay chỉ từ 7,5%/năm.

Ngân hàng Bản Việt cũng có gói tín dụng vay với lãi suất từ 6,5%/năm áp dụng trong 3 tháng đầu từ ngày giải ngân đối với khách hàng có nhu cầu vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà… Mức lãi suất áp dụng cho khách hàng vay mua nhà tại ACB đang ở mức 7-8%/năm hoặc cố định 9%/năm trong thời gian dài là 2 năm đầu tiên.

Trong nhóm ngân hàng Big4, Vietcombank triển khai đồng loạt các chương trình cho vay. Đối với các khoản vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn, lãi suất chỉ từ 5,3%/năm và lãi suất chỉ từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất vay trong 6 tháng đầu tại nhà băng này chỉ từ 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) và 6,3%/năm đối với các khoản vay trung - dài hạn.

Tại BIDV, khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà ngay từ đầu năm 2024 sẽ được BIDV áp dụng mức lãi suất trong 6 tháng đầu là từ 6,5%/năm. Mức lãi suất đối với 12 tháng đầu là 7%/năm, thời gian vay tối thiểu là 36 tháng…

Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cam kết, ngân hàng này sẽ tiếp tục áp dụng chính sách lãi suất cho vay thấp so với mặt bằng chung của thị trường, thực hiện đúng chỉ đạo của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Long cho biết, BIDV tiếp tục làm việc với các hiệp hội, nhóm khách hàng, nắm bắt nhu cầu đưa ra các chương trình tín dụng phù hợp; khai thác các nguồn vốn quốc tế phục vụ tín dụng xanh; tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay hợp lý cho các đối tượng khách hàng; công khai, minh bạch quy trình xử lý cấp tín dụng (điều kiện, hồ sơ, lãi suất…).

Kỳ vọng tín dụng từ doanh nghiệp FDI và các dự án đầu tư công

Trên thực tế, ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã liên tục đẩy mạnh nguồn vốn rẻ ra nền kinh tế với các gói tín dụng ưu đãi lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất thấp vẫn chưa thể thu hút khách hàng.

"Nhiều ngân hàng đang tìm mọi cách để cho vay, để có thể tăng trưởng tín dụng, để tránh bị “ế” tiền nhưng phải tìm được đúng người, đúng đối tượng, đúng khách hàng để cho vay"- Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

“Có lãnh đạo ngân hàng nói với tôi, hiện còn phải “mời” doanh nghiệp vay với lãi suất cho vay cực kỳ ưu đãi chỉ từ 3-4%, vậy mà doanh nghiệp không vay. Bởi, doanh nghiệp đó không có nhu cầu vay vốn, họ cũng không có nhu cầu mở rộng đầu tư sản xuất. Còn những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, không đủ tiêu chuẩn, dù lãi suất cho vay cao, ngân hàng cũng không dám cho vay” - ông Hùng nói..

Theo ông Hùng, muốn kích cầu cho vay, người dân phải có thu nhập, phải có việc làm, doanh nghiệp phải hoạt động tốt. Ông Hùng kỳ vọng thời gian tới kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có bước phục hồi. Bởi, vừa qua, các quốc gia, vùng lãnh thổ có các dự án FDI vào Việt Nam khá nhiều. Đây có thể là yếu tố giúp nền kinh tế khởi sắc trong những tháng tới, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và cá nhân có thể tiếp cận vốn tín dụng nhằm đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cộng đồng doanh nghiệp đã bắt đầu quay trở lại tập trung sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện, doanh nghiệp xuất khẩu cũng có tín hiệu tích cực về đơn hàng... Tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ năm trước. Song vẫn có những điểm sáng đáng chú ý đó là tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Cập nhật số liệu của Cục Thống kê Hà Nội và Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết tính đến cuối tháng 2/2024 tổng dư nợ tín dụng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lần lượt tăng 1,96% và 0,6% so với cuối năm 2023. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đây là một tín hiệu tích cực giữa bối cảnh tín dụng toàn nền kinh tế giảm trong 2 tháng qua.

Các chuyên gia của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, dư địa tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm nay có thể được hậu thuẫn mạnh từ khối doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngoài ra, các lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao… cũng sẽ thu hút nguồn vốn tín dụng đáng kể và tăng trưởng cao ở nhiều ngân hàng thương mại.

Sự trở lại mạnh mẽ của các dự án giao thông, công nghệ cao và kinh tế xanh sẽ tạo ra nhu cầu vốn lớn, thúc đẩy hệ thống ngân hàng mở rộng các gói sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu tài chính cho nhóm ngành này. Trong đó, có thể kể tới gói tín dụng quy mô lên đến 1,8 tỷ USD sắp được 3 ngân hàng là Vietcombank, VietinBank và BIDV cho vay hợp vốn đối với chủ đầu tư Dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành trong năm nay.

“BIDV đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý để hỗ trợ ngân hàng trong việc cấp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế; có thêm các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm môi trường kinh doanh mới”- Phó Tổng giám đốc BIDV Trần Long kiến nghị.

 

Giảm lãi suất đúng là sẽ có tác động tới nền kinh tế, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, doanh nghiệp phục hồi rất chậm. Cần đẩy mạnh vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng, thúc đẩy đầu tư công và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp. Với riêng lĩnh vực bất động sản, nếu “gỡ” được pháp lý, giải ngân vốn trong lĩnh vực này sẽ tăng rất nhanh. (PGS.TS Đinh Trọng Thịnh)