KTĐT - Một nhiệm vụ khác của diễn đàn năm nay là đưa ra báo cáo chi tiết về định hướng kiến trúc tài chính toàn cầu trong giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế.
Hơn 2.500 quan chức chính phủ, chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới đã có mặt tại Davos (Thụy Sĩ), để chuẩn bị cho lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra trong ngày 27/1.
Các cuộc trao đổi cấp cao và hoạt động bên lề sẽ diễn ra trong vòng 5 ngày tới với nội dung trọng tâm là vấn đề tái cơ cấu hệ thống tài chính quốc tế.
Sức ép đối với các ngân hàng trong hội nghị này được dự báo rất nặng nề khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy liên tục nhấn mạnh nội dung này trong một bài phát biểu trước thềm cuộc họp. Theo giới quan sát, tranh cãi sẽ diễn ra quyết liệt giữa ngành ngân hàng và các quan chức Chính phủ.
Theo hãng tin BBC, đây chính là lý do khiến rất nhiều tổ chức tài chính ngân hàng hàng đầu như Allianz, Barclays Capital, Blackstone, Carlyle Group, JP Morgan Chase hay KKR có mặt tại Davos năm nay. Thừa nhận sự cần thiết phải thay đổi nhưng hầu hết các đế chế tài chính này đều cho rằng họ cần thời gian để biến cam kết thành hiện thực. “Hoãn binh” được xem là chiến thuật đàm phán chủ đạo của các ngân hàng này trong các vòng đàm phán.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế tham dự diễn đàn lần này đều thống nhất rằng các bước phát triển của nền tài chính thế giới không phải được tạo ra nhằm đem lại lợi nhuận ngày càng nhiều hơn cho các ngân hàng trong khi hoạt động các tổ chức này lại gây ra không ít bất ổn đối với kinh tế toàn cầu.
Một nhiệm vụ khác của diễn đàn năm nay là đưa ra báo cáo chi tiết về định hướng kiến trúc tài chính toàn cầu trong giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế. Với mục tiêu gây dựng lại niềm tin của giới đầu tư cũng như tăng cường độ “đàn hồi” của các hệ thống tài chính, báo cáo được xây dựng trong 5 ngày tới sẽ đề cập đến hàng loạt vấn đề như các yếu tố dẫn đến khủng hoảng kinh tế, ảnh hưởng của các Chính phủ tại các doanh nghiệp cũng như vấn đề lương thưởng của giới lạnh đạo các ngân hàng, tập đoàn đa quốc gia…
Nội dung tiếp theo được đề cập tại diễn đàn năm nay là đánh giá quá trình phục hồi của kinh tế thế giới, sự khác nhau của quá trình này tại Mỹ, châu Á, châu Âu, Mỹ Latin… Việc kinh tế hồi phục chậm với tỷ lệ thất nghiệp chưa có dấu hiệu được cải thiện cũng được dự kiến là một trong những vấn đề có thể làm nóng nghị trường Davos trong những ngày tới.
Cùng với rất nhiều nhà đầu tư xuất hiện tại diễn đàn lần này, Davos cũng được xem là nơi hứa hẹn nhiều cơ hội đối với các công ty. Theo ghi nhận của ban tổ chức, rất nhiều doanh nghiệp đến từ châu Á, châu Phi… đã có mặt tại Thụy Sĩ để tìm kiếm đối tác, nguồn vốn…
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu, doanh nghiệp có mặt tại Davos từ ngày 25/2. Theo dự kiến, Thủ tướng sẽ tham dự các cuộc thảo luận xung quanh một số vấn đề như: Tái thiết tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn, Tái định hình nền quản trị toàn cầu, suy nghĩ về cách thức đảm bảo lương thực thế giới, Hình thành Cộng đồng Kinh tế Đông Á trong tương lai và Đối thoại với các tập đoàn, CEO hàng đầu thế giới...