Phó Thống đốc thứ nhất của ngân hàng này, ông Sergei Shvetsov cho biết kịch bản chính của ngân hàng tính rằng các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ vào giữa năm 2015.
Theo ông Shvetsov, Ngân hàng trung ương Nga sẽ phải xem xét nghiêm túc vấn đề tiếp tục tăng tỷ giá giao dịch chủ chốt với "diễn biến như hiện nay."
Phát biểu về kế hoạch điều hành thị trường ngoại hối, ông chỉ ra rằng ngân hàng trung ương sẽ không rút hoàn toàn khỏi thị trường ngoại hối sau khi thực hiện việc thả nổi đồng ruble.
Trong khi đó báo Bild của Đức dẫn tính toán của Cơ quan tình báo nước này cho biết dự trữ tiền mặt của Nga tính tới tháng Chín vừa qua là gần 22.622 tỷ ruble, tương đương 619 tỷ USD. Số tiền này chiếm khoảng 162% chi tiêu công trong năm nay.
Do nợ công của Nga chỉ ở mức 13%, nước này có thể chịu được các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong thời gian gần bốn năm mà không tuyên bố vỡ nợ.
Theo truyền thông, tính tới đầu tháng 10 này, dự trữ ngoại hối của Nga vào khoảng 455 tỷ USD. Trong tuần qua, Nga liên tục phải sử dụng dự trữ ngoại hối để nâng đỡ đồng rúp, vốn đã rơi xuống mức thấp lịch sử 41,13 ruble/USD.
Chỉ tính từ đầu tháng 10 qua, Nga đã chi gần 6 tỷ USD để nâng đỡ tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên từ đầu năm 2015, Ngân hàng trung ương Nga có ý định thả nổi đồng ruble. Chính sách này đã được Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ủng hộ.
Hiện Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác đang áp đặt trừng phạt kinh tế Nga do liên quan tới tình hình tại Đông Ukraine, theo đó không cho Nga tiếp cận các thị trường vốn quốc tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)
|