Các chỉ tiêu đều tăng
Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 12% so với năm 2020, tương đương mức 25.200 tỷ đồng. Với tổng tài sản, ngân hàng này đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng là 6% so với năm 2020. Còn với nguồn vốn, chỉ tiêu huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân tăng 8%, tín dụng tăng khoảng 12%.
Trong khi đó, Vietinbank đặt chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2021 tổng tài sản tăng trưởng khoảng 3 - 6%; tín dụng tăng trưởng khoảng 8 - 11%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10 - 12%; lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế: tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, tăng 10 - 20%. Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng khoảng 9%; dư nợ tín dụng cuối kỳ tăng trưởng khoảng 12%, tuân thủ giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao; huy động vốn cuối kỳ phù hợp với sử dụng vốn (tăng trưởng khoảng 12 – 14,8%) và tỷ lệ nợ xấu đảm bảo dưới 1,6%. Trong khi đó, Agribank đặt mục tiêu tín dụng 2021 tăng 8 - 11%, lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 10%, thu từ dịch vụ tăng 6 - 8%, thu hồi nợ xấu sau xử lý tối thiểu 9.000 tỷ đồng...Hầu hết các ngân hàng đều đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận, tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng… tăng so với năm 2020. Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo thống kê - NHNN mới thực hiện cho thấy, dù quan ngại rủi ro có thể còn tăng nhẹ trong quý I/2021, nhưng các tổ chức tín dụng (TCTD) đã kỳ vọng lạc quan hơn về mức độ rủi ro tổng thể năm 2021. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,5% trong quý I/2021 và tăng 11,9% trong năm 2021; dư nợ tín dụng được các TCTD dự báo tăng 3,6% trong quý I/2021 và tăng 13% trong năm 2021.Theo nhận định của nhiều ngân hàng, dòng tiền đã cơ bản quay về dòng chảy bình thường, nên tình hình kinh doanh sắp tới tiếp tục khả quan. TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nền kinh tế đang dần được cải thiện, tín dụng năm 2021 có thể sẽ tăng tới 14 - 15%. Tín dụng tăng trở lại sẽ khiến ngân hàng tiếp tục cải thiện lợi nhuận năm 2021. Ngoài ra, Chính phủ sẽ duy trì tốc độ giải ngân đầu tư công cao và NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi trong năm 2021. Do đó, ngân hàng sẽ là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế.Xu hướng chuyển đổi số, phát triển dịch vụ bán lẻNăm 2021 dù còn nhiều khó khăn, song xu hướng của các ngân hàng tiếp tục tăng cường quản trị, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh bán lẻ. Bên cạnh đó, dòng chảy số hoá tiếp tục sẽ được đẩy mạnh giúp các ngân hàng tự tin với kế hoạch đặt ra.Tại Vietcombank, thu nhập từ phi tín dụng tăng mạnh, chiếm tỷ trọng 49,8% trong tổng doanh thu năm 2020. “Vietcombank đặt trọng tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu hoạt động, đảm bảo tăng trưởng bền vững, hiệu quả cao và nâng cao năng suất lao động”- lãnh đạo Vietcombank chia sẻ tại hội nghị triển khai hoạt động kinh doanh năm 2021.Chủ tịch HĐQT Vietinbank Lê Đức Thọ cho biết, trong năm 2020, VietinBank đã ký kết thành công hợp đồng hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với Manulife Việt Nam nhằm cung cấp giải pháp tài chính toàn diện và hiệu quả cho khách hàng; thỏa thuận hợp tác chiến lược với Grab cùng nhiều đối tác lớn khác, góp phần mở rộng và hoàn thiện các dịch vụ mà VietinBank đang cung cấp trên thị trường. Năm 2020, mảng dịch vụ được MB đẩy mạnh, đóng góp vào doanh thu thuần tới 2.312 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm trước. MB đặt mục tiêu kinh doanh khá thách thức với phương châm tăng tốc số, đột phá bán lẻ, an toàn, hiệu quả, tiếp tục duy trì top 5 ngân hàng kinh doanh tốt nhất, phấn đấu top 3 về chất lượng và hiệu quả, đồng thời dẫn đầu về số hóa.Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ: “Dịch Covid-19 như một cú huých trăm năm thúc đẩy người Việt cùng nhau bước lên không gian số. Nhờ đi đầu trong ứng dụng số hóa, chúng tôi đã “đón đầu” làn sóng di dân đó, đáp ứng được mọi nhu cầu, thói quen tiêu dùng tài chính mới của khách hàng và hoàn thành mục tiêu đề ra”.Có thể thấy thị trường bán lẻ đang trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn trong những tháng cuối năm 2020. Tín dụng trong những tháng cuối năm cũng tăng vọt đáng kể, ghi nhận mức tăng hơn 12,1% trong năm, trong đó có nhiều ngân hàng phải nới room tín dụng. Ngay cả VPBank vào giai đoạn cuối năm 2020 cũng chạy đua “nước rút” đẩy mạnh thị trường cho vay mua xe ô tô. Trường hợp của MSB, tổng thu nhập thuần trong năm qua tăng gần 52%, trong khi tổng thu nhập ngoài lãi tăng 42%, thu thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng đến 50%.
"Việc trích lập dự phòng nợ xấu tăng ảnh hưởng một phần đến lợi nhuận ngân hàng, song nhờ đa dạng hóa nguồn thu, nhất là nguồn thu ngoài lãi, lợi nhuận ngân hàng vẫn tích cực." - TS Cấn Văn Lực |