Ngân hàng Việt và thế hệ lãnh đạo trẻ mang tư duy khác biệt, bứt phá

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng thế hệ lãnh đạo trẻ tại các ngân hàng Việt đang liên tục thể hiện những dấu ấn "khác biệt", tạo ảnh hưởng lên bộ máy lãnh đạo đang hoạt động tại các nhà băng.

Trần Hùng Huy – Chủ tịch Ngân hàng ACB - “Tổng tài” gây sốt mạng xã hội

Trần Hùng Huy (sinh năm 1978) là con trai cả ông Trần Mộng Hùng - nhà sáng lập ngân hàng ACB. Mẹ ông, bà Đặng Thu Thủy, cũng là thành viên Hội đồng quản trị ACB. Năm 24 tuổi, sau khi nhận bằng thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman, Mỹ, ông Huy lén gia đình, nộp đơn thi tuyển làm nhân viên ở ACB.

Hiện tại, ông Trần Hùng Huy đang là chủ tịch trẻ nhất trong lịch sự ngành ngân hàng Việt Nam. Chủ tịch ACB được đánh giá là vị chủ tịch ngân hàng đặc biệt khi công khai tài khoản facebook và thường xuyên cập nhật hoạt động của mình như tập gym, đạp xe, chèo thuyền, lướt ván...

Trần Hùng Huy (1978) – Chủ tịch Ngân hàng ACB
Trần Hùng Huy (1978) – Chủ tịch Ngân hàng ACB

Không chỉ có ngoại hình điển trai và học vấn “khủng”, ông Trần Hùng Huy còn là một trong 40 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ước tính số cổ phiếu ông Huy đang nắm giữ hiện có giá trị hơn 2.900 tỉ đồng.

Trần Hùng Huy được coi là "tổng tài" gây sốt mạng xã hội sau màn biểu diễn đàn, hát, nhảy trong tiệc kỷ niệm 30 năm thành lập ACB. Theo thống kê của YouNet SocialTrend, màn trình diễn của Chủ tịch ACB đứng thứ 1 trong bảng xếp hạng chủ đề âm nhạc hot nhất trên mạng xã hội trong 24 giờ. Theo dữ liệu tháng 6/2023 của YouGov BrandIndex, trong số hơn 400 thương hiệu mà nền tảng này theo dõi trên thị trường, Ngân hàng ACB ghi nhận mức tăng cao nhất đối với chỉ số nhận thức về quảng cáo. Đây là con số đo lường tỷ lệ người tiêu dùng đã xem quảng cáo của một thương hiệu trong 2 tuần qua. Điểm nhận thức về quảng cáo của Ngân hàng ACB cũng đã tăng 7,6 điểm phần trăm trong tháng 6/2023, từ 12,4% lên 20,1% sau màn biểu diễn của "tổng tài". Decision Lab, đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam đánh giá kết quả này không bất ngờ, sau màn biểu diễn dưới mưa “gây bão mạng” trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng ACB của Chủ tịch Trần Hùng Huy.

Màn biểu diễn dưới mưa “gây bão mạng” trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng ACB của Chủ tịch Trần Hùng Huy.
Màn biểu diễn dưới mưa “gây bão mạng” trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng ACB của Chủ tịch Trần Hùng Huy.

Trần Hùng Huy là một trong những lãnh đạo ngân hàng trẻ tiên phong trong tư duy kinh doanh đổi mới, và là người trực tiếp dẫn dắt và định hướng ACB là nhà băng đi tiên phong về định hướng ESG (Environmental – Social – Governance). Tại ACB, từ những ngày đầu thành lập, 2 yếu tố Quản trị (Governance) và Xã hội (Social) đã được triển khai. Nếu như yếu tố G là đương nhiên và bắt buộc cho các doanh nghiệp thì S lại bao hàm nhiều hơn, không chỉ đơn thuần là các chương trình an sinh xã hội. Phát triển con người, xây dựng văn hoá doanh nghiệp lành mạnh là hai nội dung trọng yếu mà ACB đang thiết lập cho yếu tố xã hội. Ngày 3/8 vừa qua, ACB cũng được vinh danh là "Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2023 - Best companies to work for in Asia" và đây là giải thưởng ACB nhận được trong 5 năm liên tiếp. Riêng với khía cạnh môi trường, Chương trình Gần Lại O do Trần Hùng Huy trực tiếp phát động triển khai từ 10 năm trước, được biết đến như là một "case study" khi ACB tận dụng sức mạnh nội bộ biến tinh thần bảo vệ môi trường thành một nét văn hoá và lan toả đến khách hàng và cộng đồng địa phương. 

Tháng 4/2023, Cộng đồng lãnh đạo doanh nghiệp trẻ toàn cầu với hơn 34.000 nhà lãnh đạo tại hơn 150 quốc gia đã vinh danh Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy trong hạng mục Giải thưởng Tác động Toàn cầu khu vực Đông Nam Á 2023. Anh được trao giải thưởng này vì những đóng góp tích cực trên hành trình thay đổi tư duy và lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường tới cộng đồng. 

Vũ Thị Thu Quỳnh - "Ái nữ" nhà đại gia Vũ Văn Tiền theo đuổi "quản trị xanh"

Vũ Thị Thu Quỳnh - Giám đốc khối chiến lược và phát triển Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), là con gái của đại gia Vũ Văn Tiền, ông chủ của ABBank. Vũ Thị Thu Quỳnh về nước năm 2019 sau thời gian du học. Có chung tâm thế, việc du học trở về hỗ trợ bố mẹ phát triển doanh nghiệp với Thu Quỳnh không hề xuất phát từ chữ “phải” mà đó luôn là mong muốn của bản thân cô. 

Vũ Thị Thu Quỳnh - Giám đốc khối chiến lược và phát triển Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)
Vũ Thị Thu Quỳnh - Giám đốc khối chiến lược và phát triển Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)

Sau khi về nước, Quỳnh quyết định tham gia vào lĩnh vực ngân hàng vì cô nhận thấy rằng ngân hàng là đầu mối thông tin của nhiều ngành nghề, là nơi cô có thể trải nghiệm và có được cảm nhận rõ nét nhất về toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, ít ai biết được nữ giám đốc khối chiến lược và phát triển ABBank, nơi ông Vũ Văn Tiền đang làm Phó Chủ tịch HĐQT, vốn có xuất phát điểm không phải dân chuyên tài chính - ngân hàng. Xác định bắt đầu từ con số 0, Quỳnh chủ động đi tìm thầy để học, xin thực tập tại nhiều phòng ban ở các ngân hàng lớn như BIDV, Vietin Bank… Quỳnh cho biết, sau một thời gian, cái cô nắm được là cách tổ chức công việc, phải xông thẳng vào công việc, xông thẳng vào “tiền tuyến”.  “Tôi không học chuyên về tài chính nên luôn xác định mình phải học hỏi nhiều hơn, không sợ bị người khác đánh giá. 2 tháng đầu tiên, mọi việc cũng khó khăn nhưng sau đỡ dần. Tôi trưởng thành nhanh trong thời gian ở chi nhánh" - ái nữ của ông Vũ Văn Tiền bày tỏ.

Cũng giống như những nhà lãnh đạo tương lai của các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam, Vũ Thị Thu Quỳnh cũng rất trăn trở với lộ trình chuyển đổi của doanh nghiệp. Mục tiêu đã xác định, nhưng cách thức triển khai như thế nào cho tối ưu và bền vững. Chia sẻ tại DxTalks mùa hai tập 5 - chủ đề: "Lãnh đạo thế hệ mới và chuyển đổi số", Thu Quỳnh cho biết, để vươn ra thế giới, doanh nghiệp không chỉ chuyển đổi số đạt mục tiêu kinh doanh, mà còn phát triển theo tổng quan các yếu tố bền vững, như bảo vệ môi trường và đóng góp cho xã hội - có thể nói là chuyển đổi xanh. Bà Quỳnh nói và cho biết thêm, chuyển đổi nhưng phải bền vững. Muốn thế cần phải có kế hoạch hay sự chuẩn bị tốt từ cái nhìn dài hạn và mục tiêu rõ ràng.

Về kinh doanh, tính đến hết ngày 30/06/2023, ABBank ghi nhận tăng trưởng nhẹ quy mô vốn và tổng tài sản. Cụ thể, tổng tài sản của ABBank tại thời điểm cuối quý II năm 2023 đạt 154.344 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2022. Cũng trong quý II, ABBank đã hoàn thành nâng vốn điều lệ lên hơn 10.300 tỷ đồng, thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Trong 6 tháng đầu năm, ABBank  đã trích 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Việc tăng nợ xấu dẫn tới phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ABBank trong quý II, khiến lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ ghi nhận con số 638 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch năm.

Đỗ Quang Vinh- con trai bầu Hiển và dấu ấn với ngân hàng số

Ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, là con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) - người đặt nền móng xây dựng tên tuổi Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và đang là Chủ tịch HĐQT nhà băng này. Tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Middlesex (Anh), ông Vinh trở về Việt Nam vào năm 2019 sau một số năm làm trong các doanh nghiệp, ngân hàng ở nước ngoài. Tháng 4/2023, ông chính thức được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT SHB.

Ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, là con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển)
Ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, là con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển)

Trang cá nhân của ông Đỗ Quang Vinh có gần 206.500 người theo dõi. Điều thú vị là giữa Trần Hùng Huy và Đỗ Quang Vinh đó là 2 người có khá nhiều điểm tương đồng về phong cách sống. Cả hai đều có năng khiếu ca hát, ngoại hình điển trai và thường xuyên đăng tải hình ảnh về luyện tập thể hình, thể thao. Họ cũng tương đối thoải mái trong việc chia sẻ hình ảnh về cuộc sống thường nhật với gia đình. Nhiều người dùng mạng xã hội nhận xét rằng, việc xây dựng hình ảnh cá nhân của các lãnh đạo ngân hàng như ông Huy hay ông Vinh tạo nên sự gần gũi với công chúng, đồng thời mang đậm phong cách "tổng tài" như trong trang tiểu thuyết bước ra: tài năng, giàu có và ngoại hình sáng.

Với vốn điều lệ 30.674 tỷ đồng, SHB đang là ngân hàng đứng top 5 về vốn điều lệ trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Tại SHB, ông Đỗ Quang Vinh chỉ trực tiếp nắm giữ 796.375 cổ phiếu, tương đương 0,026% vốn ngân hàng. Trong khi đó ông Đỗ Quang Hiển trực tiếp nắm giữ 78 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,54%). Tính theo giá phiên giao dịch ngày 29/9/2023, ông Vinh nắm giữ gần 9 tỷ đồng.

Thừa hưởng từ bố tinh thần làm việc nghiêm túc, chuẩn chỉnh, nhưng Vinh khác biệt ở tư duy làm việc trẻ, sáng tạo, tích cực và thân thiện. Tháng 8 vừa qua, ông Đỗ Quang Vinh, đã được vinh dự nhận giải thưởng từ Asia Awards Organization. Với ý tưởng phối hợp giữa phong cách “Agile working” độc đáo và bản sắc thương hiệu riêng biệt, văn phòng làm việc của Khối Ngân hàng Số SHB đã chiến thắng thuyết phục hạng mục giải thưởng “Thiết kế nội thất Không gian làm việc xuất sắc nhất châu Á” 2023 do Asia Awards Organization trao tặng. Theo công bố của Ban tổ chức tại Lễ trao giải Kiến trúc châu Á 2023, thiết kế văn phòng Khối Ngân hàng Số SHB thể hiện rõ giá trị thời đại, vừa thân thiện với môi trường vừa giải phóng tính sáng tạo, từ đó tạo nên một không gian làm việc cởi mở, thân thiện và bền vững.

Đỗ Quang Vinh được vinh danh là “Doanh nhân Châu Á xuất sắc ngành dịch vụ tài chính”
Đỗ Quang Vinh được vinh danh là “Doanh nhân Châu Á xuất sắc ngành dịch vụ tài chính”

Tháng 10/2022, Đỗ Quang Vinh cũng từng được vinh danh là “Doanh nhân Châu Á xuất sắc ngành dịch vụ tài chính”. Đây là giải thưởng kinh doanh uy tín với quy mô lớn hàng đầu khu vực Châu Á do tổ chức phi chính phủ về doanh nghiệp Enterprise Asia trao tặng. APEA đánh giá cao doanh nhân Đỗ Quang Vinh ở khả năng quản trị doanh nghiệp xuất sắc trong lĩnh vực tài chính. Với sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm, không ngừng đổi mới và coi trọng phát triển con người, chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, từng bước thay đổi văn hóa doanh nghiệp, đặt lợi ích của khách hàng làm trọng tâm, dù ở vị trí nào ông cũng khẳng định được thế mạnh của bản thân và đưa ra những quyết sách đúng đắn, góp phần tạo nên thành công cho tổ chức. Điển hình như thương vụ ký kết thành công thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn tại SHB FC cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản, đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB, mở ra cơ hội phát triển mang tầm khu vực và vươn ra thế giới.

Chủ tịch VietBank Dương Nhất Nguyên

Một doanh nhân thế hệ F2 khác đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng là ông Dương Nhất Nguyên (sinh năm 1983). Ông Nguyên đang đảm nhận vị trí chủ tịch VietBank từ ngày 26/4/2021 đến nay. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm ngân hàng, ông Dương Nhất Nguyên (sinh năm 1983) là con trai của nguyên Chủ tịch HĐQT VietBank Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, HĐQT VietBank đã thống nhất bầu Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025 là ông Dương Nhất Nguyên, thời điểm đó đang là Thành viên HĐQT độc lập. 

Chủ tịch VietBank Dương Nhất Nguyên (1983)
Chủ tịch VietBank Dương Nhất Nguyên (1983)

Dưới thời ông Nguyên, VietBank cũng liên tục đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietBank đạt 636 tỷ đồng, tăng 57,8% so với năm 2020, vượt kế hoạch tối thiểu ngân hàng đề ra. Đến năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt là 656 tỷ đồng, tăng 3,2%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch Dương Nhất Nguyên cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 960 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2022, tổng tài sản đạt 125.000 tỷ đồng, huy động đến từ khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 95.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 75.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, VietBank cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản cả về chất và lượng, kiểm soát nợ xấu dưới 3% theo quy định của NHNN.

Tại VietBank, ông nắm giữ hơn 16 triệu cổ phiếu VBB, tương đương với giá trị hơn 166 tỷ đồng, tính theo giá phiên 2/10/2023.

Lê Thu Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT SeABank, con gái đại gia Nguyễn Thị Nga

Danh sách thế hệ F2 hoạt động tại lĩnh vực ngân hàng xuất hiện một bóng hồng duy nhất, giữ vai trò Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) là bà Lê Thu Thủy. Bà Thủy sinh năm 1983, là con gái của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG và Phó Chủ tịch thường trực SeABank. Trong lĩnh vực ngân hàng, bà Nga là một người có tiếng, từng tham gia góp vốn và giữ vị trí quan trọng tại nhiều ngân hàng. Trước đó, bà Nga từng có 10 năm giữ cương vị Chủ tịch SeABank.

Lê Thu Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT SeABank
Lê Thu Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT SeABank

Bà Thủy là Cử nhân Quản trị Kinh doanh - Đại học George Mason - Hoa Kỳ và đồng thời cũng là Cử nhân Tài chính - Ngân hàng - Đại học George Mason - Hoa Kỳ. Sau khi học xong đại học, bà Lê Thu Thủy hoạt động thêm một thời gian ở Mỹ và rồi quyết định về Việt Nam để tiếp tục sự nghiệp của gia đình. 

Trong 5 năm qua, SeABank đã có sự tăng trưởng mạnh về vốn điều lệ, tổng tài sản cũng như lợi nhuận. Cụ thể, tổng tài sản tăng từ gần 141.000 tỷ đồng năm 2018 lên gần 230.000 tỷ đồng vào năm 2022 và mở rộng mạng lưới hoạt động với gần 180 chi nhánh, điểm giao dịch tại 29 tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời, vốn điều lệ của SeABank liên tục tăng, từ mức 7.688 tỷ đồng lên 19.809 tỷ đồng sau 5 năm.

Hiện tại bà Thủy đang nắm giữ 48,053 triệu cổ phiếu SSB, với tỷ lệ 2,355% cổ phần, giá trị tính theo thời điểm ngày 2/10/2023 là 1,218 tỷ đồng.