Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngang nhiên san lấp, lấn chiếm hồ Đầu Đồng

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phớt lờ các quy định nỗ lực bảo vệ, phát triển hồ Tây và vùng phụ cận của chính quyền quận Tây Hồ nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung, một số đối tượng đã ngang nhiên phá rào tôn, tổ chức san lấp hồ Đầu Đồng (phường Quảng An, quận Tây Hồ) để dựng nhà tạm.

Vừa qua, Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của Công ty CP Nam Quốc Sơn – đơn vị được UBND thành phố Hà Nội cho thuê 1.304m2 đất tại phường Quảng An, quận Tây Hồ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng bãi xe, tuy nhiên, có một số hộ gia đình ngang nhiên phá rào tôn, dựng nhà tạm trên đất công do UBND phường Quảng An quản lý, lấn một phần tường sang diện tích đất dự án của đơn vị.

Khu vục hồ Đầu Đồng bị san lấp sai quy định.
Khu vục hồ Đầu Đồng bị san lấp sai quy định.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Cường – Cán bộ Công ty CP Nam Quốc Sơn cho biết, trước tình trạng trên, đơn vị đã báo cáo, phản ánh tới phường Quảng An (quận Tây Hồ) đề nghị giải quyết triệt để. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.

Xe tải, máy xúc được huy động tham gia việc san lấp trái phép hồ Đầu Đồng.
Xe tải, máy xúc được huy động tham gia việc san lấp trái phép hồ Đầu Đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, dù đã có phản ánh ánh, kiến nghị nhưng khoảng 8 giờ ngày 12/8/2024, khi đi kiểm tra dự án vẫn phát hiện một số người đã phá rào tôn và dựng các cột thép I lên để dựng khung nhà. “Việc làm này không chỉ làm biến dạng cảnh quan tự nhiên, mà còn bóp nghẹt sự sống của môi trường nơi đây, làm giảm đi giá trị văn hoá và cảnh quan khu vực, giảm diện tích mặt nước và hệ sinh thái thuỷ sinh tại hồ” – ông Nguyễn Đức Cường cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Đội Quản lý trật tự Xây dựng Đô thị quận Tây Hồ cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, đơn vị đã phối hợp với UBND phường Quảng An tiến hành kiểm tra thực tế. Thông qua kiểm tra, các đơn vị chức năng đã tiến hành cắt bỏ một số hạng mục là cột sắt, nhà tạm lấn chiếm hồ Đầu Đồng… theo quy định của pháp luật.

Rác thế thải được đổ ra mép hồ Đầu Đồng với mục đích lấn chiếm diện tích hồ.
Rác thế thải được đổ ra mép hồ Đầu Đồng với mục đích lấn chiếm diện tích hồ.

Tại Điều 57 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định “công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích”. Mặt khác, khoản 7 Điều 60 Luật Tài nguyên nước 2012 đã nghiêm cấm các hành vi san lấp hồ, ao, đầm, phá để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước…

Ngoài ra, theo quy định khi bị phát hiện hoặc bắt quả tang thì ngoài việc phải nộp phạt vi phạm hành chính, các cá nhân có hành vi đổ phế thải trái phép cần phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm. Đặc biệt, theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội gây ô nhiễm môi trường, nếu đổ chất thải rắn thông thường từ 200.000kg (tức 200 tấn) tới 500.000kg (tức 500 tấn) là có thể bị xử phạt tù từ 1 – 5 năm. Nếu vượt quá 500.000kg thì có thể bị phạt tới 7 năm tù.

Máy xúc được huy động phục vụ việc san lấp.
Máy xúc được huy động phục vụ việc san lấp.

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội và quận Tây Hồ đã dành rất nhiều nguồn lực, tâm huyết nhằm nâng tầm giá trị di sản của hồ Tây và vùng phụ cận, trong đó có việc phục hồi, phát triển giá trị, thương hiệu chè sen Quảng An. Do đó, hơn lúc nào hết, Nhân dân, dư luận mong muốn các cơ quan chức năng phường Quảng An, quận Tây Hồ khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi vi phạm, khôi phục nguyên trạng vốn có của hồ Đầu Đồng - một trong những khu vực tổ chức thí điểm trồng sen Bách Diệp trên địa bàn quận Tây Hồ.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục phản ánh thông tin vụ việc.