Ngành chăn nuôi Hà Nội nỗ lực giữ vững mục tiêu tăng trưởng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt qua khó khăn, thách thức từ thời tiết cực đoan, dịch bệnh, ngành chăn nuôi Hà Nội đã đạt được những kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm. Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 4,2% trong năm 2021, đòi hỏi ngành phải có những thay đổi linh hoạt trong tình hình mới.

Đối diện nhiều thách thức
Trước tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam và thế giới đang diễn biến phức tạp, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã có 10 lần điều chỉnh tăng. Chi phí chăn nuôi tăng, trong khi giá gia súc, gia cầm biến động thất thường khiến người chăn nuôi không yên tâm đầu tư. Mặt khác, dịch Covid-19 còn ảnh hưởng đến vận chuyển lưu thông động vật và sản phẩm động vật giữa các vùng miền. 
 Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (Tân Ước, Thanh Oai). Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát
Trên thực tế, Hà Nội có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn, việc xuất nhập gia súc, gia cầm từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại rất lớn, do ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm lượng tiêu thụ giảm mạnh.
Đơn cử như lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày có số lượng lợn giết mổ lớn, cao điểm lên tới trên 2.000 con, từ năm 2020 đến nay việc vận chuyển lưu thông gặp nhiều khó khăn nên số lượng giết mổ giảm còn khoảng 1.000 con.
Chợ tiêu thụ gia cầm sống Hà Vĩ (huyện Thường Tín) thời cao điểm tiêu thụ trên 50 tấn/ngày, thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 30 tấn/ngày. Trong khi giá động vật và sản phẩm động vật biến động khó lường, tăng giảm bất thường làm người chăn nuôi, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm rơi vào thế bị động. Có thời điểm giá bò giống lên đến gần 100.000 đồng/kg, có khi hạ xuống chỉ còn khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg làm cho người chăn nuôi thiệt đơn, thiệt kép; vừa khó tiêu thụ vừa bị giảm giá, thậm chí thua lỗ do giá thành đầu vào tăng cao.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, mặc dù khó khăn nhưng từ đầu năm tới nay, ngành chăn nuôi Hà Nội vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng đàn trâu, bò là 164.458 con, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020; đàn lợn 1.576.672 con, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm 2020; đàn gia cầm (bao gồm cả chim cút) là 38.615.993 con, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020; đàn dê 14.370 con, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020; đàn chó mèo 461.679 con, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, ngành chăn nuôi vẫn đang đối diện nhiều thách thức, như nguy cơ tái phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là rất cao; các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra nhỏ lẻ và hầu hết đều xảy ra trên đàn gia cầm thương phẩm, trong đó tổng đàn gia cầm thương phẩm toàn TP chiếm tỷ lệ cao (gần 60% tổng đàn).
Linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất
Trước thách thức mới từ dịch bệnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 4,2%, ngành chăn nuôi Hà Nội đã có những điều chỉnh linh hoạt. Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, từ việc gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng của Thanh Oai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 493 tỷ đồng, thủy sản đạt 76,6 tỷ đồng. Cũng từ việc chủ động kế hoạch sản xuất gắn với phòng, chống dịch bệnh, 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Quốc Oai tăng trưởng khá; tổng đàn vật nuôi 6 tháng đạt 3,66 triệu con, bằng 91% kế hoạch.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, trước những tác động của dịch Covid-19 khiến giá cả gia cầm và lợn hơi giảm mạnh. Người chăn nuôi trên địa bàn huyện đã chủ động điều chỉnh tổng đàn, thay vào đó là nâng cao chất lượng. Huyện đã hỗ trợ về giống, kỹ thuật, hướng dẫn người dân chủ động chăn nuôi có giá trị kinh tế cao và sản xuất căn cứ vào nhu cầu thị trường.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, từ đầu năm tới nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP cơ bản ổn định. Các ổ dịch xảy ra nhỏ lẻ và được phát hiện sớm, báo cáo kịp thời và xử lý nhanh, gọn không để lây lan. Các đơn vị đều chủ động tham mưu và tăng cường công tác giám sát dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt đối với việc ứng phó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, xử lý ổ dịch kịp thời.
Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ tập trung quản lý chất lượng giống, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý giống, thực hiện bình tuyển đánh số, gắn chíp ghi chép theo dõi và đánh giá chất lượng. Chuyển đổi đối tượng đầu tư cho phù hợp vùng miền sinh thái, rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng vật nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực. Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi công nghiệp vào chăn nuôi gia trại, nông hộ như chuồng sàn; máng ăn, máng uống tự động; chăn nuôi theo hướng VietGAP, chăn nuôi sinh thái tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó DN đóng vai trò làm đầu tàu để liên kết với các tổ chức sản xuất. Xây dựng mô hình liên kết ở từng vùng, từng loại đối tượng chủ lực. Triển khai các mô hình chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đối với công tác thú y, tập trung thực hiện tốt các giải pháp chuyên môn phòng chống dịch bệnh. Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm ở mỗi cấp, đảm bảo giám sát dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi.