70 năm giải phóng Thủ đô

Ngành chăn nuôi Hà Nội: Tái cơ cấu để hội nhập

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước làn sóng đẩy mạnh xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm từ các nước châu Âu vào Việt Nam sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, ngành chăn nuôi Hà Nội đang chủ động tái cơ cấu, thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

 Dây chuyền giết mổ lợn tại Công ty CP thực phẩm Vinh Anh. Ảnh: Phương Nga

Nâng cao sức cạnh tranh
Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Theo cam kết, thuế nhập khẩu thịt bò về Việt Nam sẽ là 0% sau 3 năm (hiện nay đang là 20 – 30%). Đối với các mặt hàng khác như thịt lợn đông lạnh, thuế nhập khẩu sẽ về 0% sau 7 năm, thịt lợn khác về 0% sau 9 năm; thịt gà được bỏ thuế nhập khẩu sau 10 năm…
Chia sẻ về những thách thức đối với ngành chăn nuôi của Thủ đô khi hội nhập, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, mặc dù Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng ở tốp đầu cả nước tuy nhiên do chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu nên giá thành sản phẩm cao. Người chăn nuôi còn thiếu kỹ năng phân tích thị trường, lập kế hoạch sản xuất và hạch toán hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, sản phẩm sẽ yếu thế khi phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập trên thị trường. Đây là sức ép đòi hỏi các DN Việt phải linh hoạt, thích ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Đào Quang Vinh – Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vinh Anh nhìn nhận, việc thịt ngoại xâm nhập vào thị trường Việt Nam đang tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các DN Việt, nhất là những DN nhỏ và cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì thế, các DN nội phải liên kết với người nuôi, hỗ trợ lẫn nhau. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Chữ - Tổng Giám đốc chuỗi thực phẩm Organic Green cho rằng, để có thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, ngoài đặc tính, mẫu mã, bao bì… thì chất lượng sản phẩm cũng đòi hỏi phải áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế. “Để hoàn thiện chất lượng sản phẩm, chúng tôi đã đầu tư quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm theo chuỗi liên kết. Tất cả các công đoạn đều đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế” – ông Chữ nhận định.
Kiên quyết tổ chức lại sản xuất
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, bên cạnh những thách thức, khi hội nhập EVFTA, ngành chăn nuôi nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng cũng sẽ đón được những cơ hội mới. Cụ thể, sẽ có cơ hội tiếp cận nhanh với các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ mới và cách tổ chức sản xuất tiên tiến. Đặc biệt, ngành chăn nuôi sẽ thu hút được các nhà đầu tư mới, phát triển theo công nghệ cao, đi sâu vào chế biến. Nhưng trước mắt, cơ hội trong chính nội tại của ngành là áp lực buộc ngành chăn nuôi phải kiên quyết tổ chức lại sản xuất, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển bền vững và gia tăng giá trị.
Để nắm quyền chủ động khi EVFTA được ký kết, thời gian qua, Hà Nội đã định hướng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, có khả năng đáp ứng nhu cầu cho các DN chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn TP đã hình thành 15 vùng chăn nuôi chuyên canh, 75 xã chăn nuôi trọng điểm và 46 chuỗi chăn nuôi... Cùng với đó, Hà Nội chủ trương đưa những giống mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh.

Sau EVFTA, các mặt hàng chất lượng từ EU sẽ có cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để sản phẩm Việt với chất lượng quốc tế khẳng định được vị trí của mình trong giỏ hàng của người tiêu dùng.
Tổng Giám đốc chuỗi thực phẩm Organic Green Nguyễn Văn Chữ