Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí, giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí đạt gần 228.000 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần năm 2000. Ngành cơ khí đã sản xuất được các loại máy cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện, sản xuất láp ráp ô tô với tỉ lệ nội địa hóa 40%, tỉ lệ nội địa hóa xe máy đạt từ 85% - 95%. Chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, ngành xây dựng, ngành y tế, ngành cơ khí tàu thủy, ngành cơ khí khác.
Tuy nhiên, ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa làm chủ được việc thiết kế đối với những dự án có độ phức tạp cao, máy công cụ, máy động lực, máy xây dựng mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu trong nước. Phần lớn các nhà máy nhiệt điện vẫn do các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu…
Để phát triển ngành cơ khí Việt Nam ổn định, bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí kiến nghị: Chính phủ phải coi trọng hơn đối với ngành cơ khí, trước mắt cần phải có cơ chế bảo hộ thị trường. Việc bảo hộ đã có cơ chế chính sách nhưng cơ chế chính sách cần phải làm nghiêm. Nhà nước cần đóng vai trò chiến lược đồng bộ của tất cả các ngành và cơ khí.