Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành Công Thương 65 năm đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 65 năm, vào ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, và từ năm 2008, ngày 14/5 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành công thương Việt Nam.

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, cùng với ngành công thương cả nước, ngành công nghiệp - thương mại của Hà Nội cũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô.

Hướng tới hệ thống thương mại đồng bộ, hiện đại

Với vị thế trái tim của cả nước, Hà Nội không chỉ đóng vai trò là đầu mối sản xuất, kinh doanh, mà còn dẫn dắt hoạt động kinh tế của cả khu vực phía Bắc, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với đó là sự phát triển nhanh cả về lượng và chất của loại hình bán lẻ hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân Thủ đô. Đến nay, toàn TP có 135 siêu thị, 27 trung tâm thương mại (TTTM) như chuỗi siêu thị Hapro, Fivimart, Vinmart, Big C, Co.opmart, Parkson… Đáng chú ý, riêng trong giai đoạn từ năm 2012 - 2015, Hà Nội đã đưa vào hoạt động 8 TTTM lớn mang tầm quốc gia và quốc tế, mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.
Sản xuất hàng tại Công ty TNHH Cơ khí và tự động hóa công nghiệp, huyện Hoài Đức. 	Ảnh: Thanh Hải
Sản xuất hàng tại Công ty TNHH Cơ khí và tự động hóa công nghiệp, huyện Hoài Đức. Ảnh: Thanh Hải
Với việc đẩy mạnh phát triển các TTTM, hệ thống bán lẻ hiện đại đã dần trở thành kênh phân phối hàng hóa hiệu quả theo xu hướng văn minh hiện đại, ATTP, tiếp cận dần mọi tầng lớp Nhân dân, chiếm khoảng 20 - 25% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại thị trường Hà Nội.

Việc phát triển hệ thống bán lẻ không chỉ phục vụ người tiêu dùng ở khu vực trung tâm mà còn góp phần đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp…, qua đó tích cực thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong năm 2015, Sở đã kêu gọi, đồng hành cùng các DN bán lẻ triển khai hơn 2.000 chuyến bán hàng lưu động phục vụ người dân, người lao động thu nhập thấp tại các vùng nông thôn, ngoại thành, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Qua đó tạo cho người tiêu dùng thói quen sử dụng hàng Việt Nam, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh cao.

Điểm sáng phát triển khu công nghiệp
Nhằm mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, Hà Nội tiếp tục triển khai phát triển các KCN theo hướng nhanh và bền vững. Theo đó đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghiệp sạch.
Ông Lê Hồng Thăng
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Có một thời những cái tên như: Xích líp Đông Anh, xe đạp Thống Nhất, khóa Việt Tiệp, bàn ghế Xuân Hòa… là niềm tự hào của ngành công nghiệp Thủ đô.  Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi ngành công nghiệp Hà Nội phải phát triển theo hướng công nghệ cao. Để làm được việc đó, trong những năm qua, ngành công nghiệp TP tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện cho DN không chỉ về mặt bằng sản xuất mà còn ứng dụng công nghệ mới. Đến nay, sau hàng chục năm đầu tư xây dựng, các khu công nghiệp (KCN) của Hà Nội đã đóng góp tích cực trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài, giải quyết việc làm, góp phần hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ lấp đầy KCN cao nhất, một trong những địa phương dẫn đầu trong việc xây dựng KCN.

Việc thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Hà Nội không những góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội chung của Thủ đô, mà còn làm thay đổi cơ cấu ngành theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao. Cùng với sự gia tăng các nguồn vốn đầu tư, các DN trong KCN của Hà Nội đã tạo ra khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, 45% kim ngạch xuất khẩu và hơn 20% GDP của TP. Theo tính toán, mỗi héc ta đất trong KCN bình quân đã tạo việc làm mới cho 100 lao động và nộp ngân sách hơn 1,5 tỷ đồng; lũy kế các KCN đã tạo việc làm cho hơn 140.000 lao động của TP. Sự ra đời các KCN không chỉ tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị phát triển, mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; đồng thời là kênh quan trọng để tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nhiều nước trên thế giới. Đơn cử, Khu Công viên phần mềm công nghệ thông tin do Công ty CP Him Lam làm chủ đầu tư là nơi thu hút các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm và các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn khác. Hay KCN hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) quy mô 568ha được kỳ vọng trở thành thủ phủ công nghiệp hỗ trợ trong tương lai. Nhằm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp, nhất là các sản phẩm có chất lượng, Sở Công Thương đã tham mưu UBND TP ban hành và tổ chức triển khai Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đến nay đã có 60 sản phẩm của 49 DN được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, được TP hỗ trợ xây dựng quảng bá thương hiệu, hỗ trợ vốn, thuế để DN tăng cường sản xuất, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường.

Đưa thương mại - công nghiệp lên tầm cao mới

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội cũng như cả nước sẽ chịu nhiều tác động mạnh của quá trình hội nhập kinh tế thế giới một cách sâu rộng hơn, nhất là khi nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết. Trước những thách thức, khó khăn đó, ngành công thương Hà Nội đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Tăng trưởng ngành công nghiệp đạt bình quân 10,4 - 11%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng bình quân 13 - 14%/năm. Để thực hiện mục tiêu trên, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết,  Sở đang tập trung chỉ đạo phát triển nhanh một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường trong các KCN như: Công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu; các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời kêu gọi DN áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm của DN, tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt là các TTTM có tầm cỡ quốc tế, các siêu thị, chợ tại các vùng ngoại thành, các hệ thống cửa hàng tiện ích…, hình thành 999 siêu thị các loại, 62 TTTM lớn vào năm 2020.

Cũng theo ông Lê Hồng Thăng, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành với DN, đặc biệt là DN dân doanh trong việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại, đồng thời thúc đẩy các DN sản xuất, kinh doanh phát triển tốt, đồng bộ… 
Hà Nội hiện có 8 KCN hoạt động với quy mô gần 1.240ha, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt hơn 90% diện tích đất công nghiệp; 2 KCN đang xây dựng hạ tầng, diện tích gần 110ha. Các KCN đã thu hút hơn 600 dự án, trong đó có hơn 310 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đạt hơn 4,9 tỷ USD; 290 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký đạt hơn 11.700 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 107 cụm công nghiệp đã, đang và sắp triển khai, với tổng diện tích quy hoạch 3.192,9ha, thu hút 3.807 dự án và 63.926 lao động.