Ngành công thương đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thứ trường Thường trực Bộ Công thương vừa chủ trì Hội nghị giao ban công tác trực tuyến tháng 11 ngành công thương, diễn ra tại hai "đầu cầu" Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

KTĐT - Thứ trường Thường trực Bộ Công thương vừa chủ trì Hội nghị giao ban công tác trực tuyến tháng 11 ngành công thương, diễn ra tại hai "đầu cầu" Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo tại Hội nghị, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn ngành tháng 11 đạt 64,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng 10 và tăng 13% so với tháng 11/2008. Tính chung 11 tháng, toàn ngành đạt giá trị SXCN 631,87 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó: Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tốc độ tăng cao nhất với 9,4%. Tiếp đến là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,7%; Khu vực kinh tế TƯ tăng 5,4%; Khu vực kinh tế địa phương giảm 2,8%.

 Một số đơn vị đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng bình quân của toàn ngành (tăng 7,3%) và tăng trưởng bình quân của Bộ (tăng 7,5%) trong 11 tháng qua, như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (tăng 12,4%); Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (18,5%); Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (26,7%); Tổng công ty Thiết bị điện (12,6%); Tổng công ty cổ phần Điện tử - Tin học VN (21,9%); Tổng công ty Thuốc lá VN (7,9%); Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (22,7%); Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (tăng 19,2%); Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (8,8%); Cty cổ phần Nhựa VN (17,1%)...

Tại các địa phương, tính chung 11 tháng, nhiều tỉnh thành phố SXCN tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó một số đạt trên mức tăng bình quân công nghiệp cả nước (7,3%) như: Hà Nội tăng 8,6%, Quảng Ninh 12,8%, Thanh Hoá 13%, Khánh Hòa 8%, Tp. HCM tăng nhẹ 7,4%, Bình Dương 9,2%, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 9,9%, Cần Thơ 9,2%...

Thị trường trong nước tháng 11 đã sôi động hơn so với tháng trước khi các nguồn hàng được huy động để đáp ứng cho nhu cầu mua sắm, sửa chữa, xây dựng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Hầu hết các doanh nghiệp đã triển khai dự trữ hàng hóa phục vụ Tết nên nguồn cung hàng hóa trong nước tiếp tục được bảo đảm. Các trung tâm thương mại cũng như doanh nghiệp kinh doanh thực hiện tháng bán hàng khuyến mãi đã thu hút lượng lớn khách hàng mua sắm, đặc biệt là vào các “ngày vàng” trong tháng. Vì vậy, tổng mức lưu chuyển hàng hoá tháng 11 ước đạt 114 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước (trong khi tốc độ tăng các tháng trước chỉ trên 2%). Tính chung 11 tháng đạt 1.075,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hai thị trường lớn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đạt tốc độ tăng trưởng lần lượt là 24,4% và 19,1%.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu nhấn mạnh nhiệm vụ trong tháng 12 này của Ngành công thương là phải đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm, đồng thời chuẩn bị các điều kiện bước vào thực hiện kế hoạch năm 2010 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Để làm được điều này, các doanh nghiệp và đơn vị thuộc Bộ cần thực hiện tốt các giải pháp: Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý thị trường, chuẩn bị đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm, đặc biệt là những mặt hàng phục vụ Tết; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường. Tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách hiệu quả. Thứ hai, tổ chức hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết của năm 2009, đảm bảo chất lượng hàng hoá xuất khẩu, thời gian giao hàng nhằm khẳng định và nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới tạo chân hàng cho kế hoạch năm 2010. Thứ ba, tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện có hiệu quả các gói kích thích kinh tế của Chính phủ, nhất là gói kích cầu thị trường nội địa và việc hỗ trợ lãi suất vay để tiêu thụ máy móc, thiết bị, vật tư theo Quyết định 497/QĐ-TTg mà Bộ Công thương chủ trì thực hiện cùng các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, xúc tiến thương mại quốc gia năm 2009; Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện và giải pháp khắc phục. Thứ tư là đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình năm 2009 để sớm huy động vào sản xuất kinh doanh, tăng cường chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm và đẩy nhanh công tác giải ngân các nguồn vốn đầu tư.