Trong khuôn khổ các hoạt động “Tổng kết hoạt động KH&CN nổi bật của ngành Công Thương giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045”, ngày 24/10/2022, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển hệ thống các tổ chức KH&CN công lập, gắn với định hướng hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.
Kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh
Giai đoạn 2016-2020, ngành Công Thương tập trung phát triển mạng lưới các tổ chức KH&CN; tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ.
Hiện tại, Bộ Công Thương quản lý 13 viện, trong số đó có 2 viện đã thực hiện cổ phần hóa; Ngoài ra có thêm 9 viện nghiên cứu hiện nằm ở các tập đoàn, tổng công ty.
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng số công bố khoa học của 13 viện nghiên cứu thuộc Bộ là 933, trong đó có 786 công bố trong nước và 147 công bố quốc tế. Đặc biệt, cũng trong giai đoạn này, tổng số đầu ra về công nghệ của các Viện là 197. Trong đó, số lượng công nghệ đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, chuyển giao, ứng dụng cho doanh nghiệp là 72 công nghệ, chiếm 37%; số lượng công nghệ chưa đăng ký sở hữu trí tuệ nhưng đã chuyển giao, ứng dụng cho doanh nghiệp là 75 công nghệ, chiếm 38%.
Đây cũng là giai đoạn ngành Công Thương có nhiều công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC)...
Những kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của các ngành Điện, Dầu khí, Khai thác và chế biến khoáng sản, Cơ khí, Điện tử, Công nghệ sinh học… đều tạo dấu ấn riêng, giúp ngành công nghiệp trong nước có thể tự chủ nhiều công nghệ và nội địa hóa nhiều sản phẩm. Có những công trình như đầu tư đóng mới giàn khoan Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05 đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia chế tạo giàn khoan tự nâng có thể hoạt động ở vùng biển sâu đến 400ft với điều kiện làm việc khắc nghiệt...
“Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng 468 mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại, tập trung chủ yếu cho 08 ngành, lĩnh vực ưu tiên. Hiệu quả đối với từng mô hình điểm là hết sức rõ nét. Theo kết quả khảo sát, 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động hỗ trợ rất hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp (98%), 64,7% các doanh nghiệp có cải thiện về năng suất, 56,9% doanh nghiệp có cải thiện về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí nguyên nhiên vật liệu 54,2%, 47,1% doanh nghiệp có cải thiện về thời gian giao hàng...
5 trọng tâm trong hoạt động KH&CN ngành Công Thương giai đoạn tới
Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, những kết quả đã đạt được không thể thiếu vai trò quan trọng của các viện nghiên cứu thuộc Bộ. Vai trò của các viện nghiên cứu đã có mặt trong tất cả các lĩnh vực, kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, từ nghiên cứu chính sách phục vụ xây dựng chính sách đến nghiên cứu ứng dụng và triển khai đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, trọng tâm trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành Công Thương sẽ tập trung vào 5 vấn đề:
Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương, đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính, thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.
Thứ hai, chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng định hướng, chính sách phát triển ngành Công Thương trong tình hình mới; cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi, khai thác có hiệu quả cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.
Thứ ba, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể sống động của đổi mới sáng tạo và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ tư, xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ vững mạnh, làm chỗ dựa tin cậy và hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương theo hướng hiện đại.
Tại Hội thảo, ông Hòa cho biết, Vụ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị, các viện nghiên cứu thuộc Bộ xây dựng dự thảo báo cáo “Định hướng phát triển các tổ chức KH&CN công lập ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.
Những ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được Vụ KH&CN tập hợp để hoàn thiện dự thảo Báo cáo định hướng phát triển cùng lộ trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, là căn cứ đề xuất Lãnh đạo Bộ có những quyết sách phù hợp trong phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập của Bộ Công Thương trong giai đoạn tiếp theo.
Định hướng phát triển các tổ chức KH&CN công lập ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045:
Giai đoạn đến 2030: sự phát triển của các tổ chức KH&CN công lập của Bộ Công Thương gắn sứ mệnh hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao năng lực hấp thụ và từng bước nâng cấp trình độ công nghệ; cung cấp hạ tầng chung về R&D cho các doanh nghiệp; điều phối sự hợp tác về R&D giữa Viện Nghiên cứu - Doanh nghiệp - Trường Đại học, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực KH&CN cho các doanh nghiệp
Giai đoạn 2030-2035: Hệ thống tổ chức KH&CN công lập trong giai đoạn này thực hiện sứ mệnh về nâng câp trình độ công nghệ truyền thống trong nước, thúc đẩy nền sản xuất trong nước chuyển dần sang giai đoạn trưởng thành của công nghệ và tích lũy kinh nghiệm để nâng cao năng lực NC&PT độc lập, bắt đầu đẩy mạnh đổi mới và cải thiện công nghệ
Tầm nhìn đến 2045: Tổ chức KH&CN công lập của Bộ Công Thương ở giai đoạn này có sứ mệnh dẫn dắt về mặt công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước; tạo ra các hạt nhân công nghệ cho cuộc cạnh tranh công nghiệp trung và dài hạn; cung cấp công nghệ nền trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi cũng như hỗ trợ R&D cho các doanh nghiệp đầu tư dựa vào công nghệ mới.