Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành dệt may thời kỳ hậu Covid-19: Khó khăn chồng chất

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 khiến các ngành công nghiệp lớn, đóng góp giá trị cho xuất khẩu, tạo ra việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ngành dệt may cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Khi đại dịch xảy ra, nhiều nhà máy phải đóng cửa, khi dịch dược khống chế, các nhà máy đã mở cửa trở lại nhưng lại bị thiếu hụt nguồn nhân lực, vấn đề vaccine...
Thiếu nhân lực trầm trọng

Đối với các DN, đặc biệt với ngành dệt may, nơi có hàng trăm nghìn lao động, duy trì đơn hàng đã khó, nay để có đủ nhân lực cho sản xuất cũng là vấn đề nan giải. Nhiều DN đang đứng trên bờ vực phá sản nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp tối ưu để vượt qua khó khăn. Thực tế cho thấy, hiện các DN dệt may đang hết sức khó khăn do bỏ qua và không tận dụng được các đơn hàng tháng 7 - 8 vừa qua. Dịch kéo dài và sẽ rất nguy hiểm, DN đứng trước nguy cơ mất đơn hàng do đối tác chuyển đi ngày càng lớn. Trong khi đó, lực lượng lao động đang thiếu trầm trọng do trước đó đã bỏ về quê và giờ không biết có quay trở lại đầy đủ, thậm chí quay lại chỉ đạt 20 - 30% so với trước.
 Công nhân làm việc trong phân xưởng may tại Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm. Ảnh: Hoàng Anh
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam Nguyễn Hải Đường nhận định, ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn như nguyên phụ liệu may mặc khó đáp ứng theo đúng nhu cầu của DN, vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, thiếu hụt nhân công... “Nhiều DN tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì thị trường nội địa có quy mô nhỏ (chỉ chiếm 10% đối với năng lực ngành dệt may), không thể giải quyết được khó khăn của DN dệt may, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang làm giảm nhu cầu tiêu dùng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, giảm chi tiêu của hộ gia đình. Do đó, các DN dệt may khó có thể phục hồi trong ngắn hạn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản” - ông Nguyễn Hải Đường chỉ ra.

Công ty CP Tập Đoàn Hồ Gươm là tập đoàn có 3.000 người lao động tại 5 nhà máy chính tại Hưng Yên, Thanh Hóa, Hòa Bình. Tổng Giám đốc Công ty CP Tập Đoàn Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh cho biết, kinh tế châu Âu và Mỹ đang phục hồi đã tạo thuận lợi cho ngành dệt may nên tình hình tiêu dùng tăng mạnh số lượng đơn hàng nhiều hơn. Trong khi đó, một số nước châu Á bị dịch tàn phá nên sản xuất may bị đình trệ... Ở Việt Nam tình hình giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nhiều đến các DN may phải đóng cửa, hoặc dừng sản xuất. DN gặp khó khăn về chi phí phát sinh test Covid; vận tải quốc tế bị đình trệ dẫn đến thiếu nguồn container dẫn đến chậm giao hàng. Trong quá trình sản xuất, một số công nhân phải nghỉ cách ly khiến dây chuyền bị đứt quãng... Mặc dù vậy, DN cũng cố gắng đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên có thu nhập từ 5 – 8 triệu đồng/tháng để giữ chân người lao động. Ông Phí Ngọc Trịnh đề nghị hỗ trợ miễn giảm tiền đóng BHXH; được ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân; giảm tiền thuế thu nhập, miễn giảm tiền thuê đất...

Giải bài toán lao động và vaccine

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trường Phúc (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Đình Lập cho biết, DN hiện chỉ còn gần 300 công nhân so với 1.000 trước đây, vấn đề khó nhất là lao động và vaccine. Hiện dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương và cách ly xã hội nên người lao động không thể đi làm, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tiến độ giao hàng. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu không chỉ Trường Phúc, mà các DN cùng ngành khác khó có thể duy trì sản xuất.
  Kiểm tra sản phẩm tại Nhà máy M2F của Công ty CP M2 Việt Nam.
Hy vọng ngành dệt may sẽ phục hồi vào đầu năm 2022 sau khi tiêm vaccine cho toàn dân. Lúc đó, sẽ kiểm soát được dịch bệnh và có đủ lực lượng lao động để làm việc. “Các DN dệt may có đặc thù sử dụng nhiều lao động, mong muốn Nhà nước giãn thuế TNDN, tiền BHXH, hỗ trợ các gói vay vốn với lãi suất thấp để chị trả tiền lương công nhân và mua vật tư thiết bị phục vụ cho sản xuất. Hạn chế các đoàn kiểm tra để DN có thời gian tập trung vào việc SXKD” - ông Lập cho biết.

Để hỗ trợ DN ổn định sản xuất trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm cho rằng, các chính sách ban hành cần đi ngay vào cuộc sống. Trong đó, việc cắt giảm các chi phí hết sức cấp thiết nhằm hỗ trợ DN vượt khó như giảm 30% giá điện đến hết năm 2021. TP Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022. TP Hồ Chí Minh hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với những DN gặp khó khăn do dịch bệnh, tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022. Các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các DN phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho DN ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16. Tổng LĐLĐ Việt Nam dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn trước mắt đến 30/6/2022; miễn đóng đến 31/12/2021 cho DN nằm trong các địa phương thực hiện Chỉ thị 16; cho phép DN phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại DN trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn...

Theo Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang, thiếu nhân lực khi mở cửa kinh tế trở lại là vấn đề hiện hữu đối với các DN. Đây là thách thức rất lớn đối với cộng đồng DN khi mở cửa kinh tế trở lại vì chưa có phương án thật sự tối ưu, để tuyển lao động trong điều kiện mới, do công nhân rất khó quay trở lại làm việc ngay. Do đó, thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35 - 37%. Vị này đánh giá, nếu trong tháng 10/2021, các DN đồng loạt hoạt động trở lại, nguồn lao động đáp ứng được 40%, công nhân được tiêm 2 mũi vaccine, xuất khẩu toàn ngành cố gắng sẽ đạt 30 - 33 tỷ USD. Để thu hút nguồn lao động, ngoài việc kiểm soát dịch bệnh rất quyết liệt của bộ máy chính quyền, vaccine vẫn là “chìa khóa” giải quyết vấn đề. “Chúng tôi thấy nhiều điểm đáng lạc quan khi Việt Nam dự kiến sẽ nhận thêm nhiều vaccine trong thời gian tới, hy vọng tạo điều kiện để mở cửa lại nền kinh tế một cách bền vững” - ông Giang nói.
Mới đây, 7 DN dệt may tại Tiền Giang với 13.300 công nhân đã đề nghị được Thủ tướng quan tâm, hỗ trợ vaccine để trở lại sản xuất trước khi bị mất đơn hàng. Các ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 đợt này đã tác động tiêu cực và kéo dài 4 tháng khiến DN kiệt quệ, đối diện nguy cơ phá sản. Hiện nhiều khách hàng đã thông báo hủy đơn hàng, phạt xuất hàng bằng máy bay đối với những hợp đồng đã ký. Các đơn hàng phải bán theo mùa và khách hàng không thể tiếp tục chờ đợi trong vô vọng. Trong khi đó, DN đã mua hết nguyên vật liệu sản xuất với chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy, việc sớm khống chế dịch bệnh và mở cửa trở lại sẽ tạo điều kiện để DN phục hồi sản xuất.