Ngành điện và bài toán 106.000 tỷ đồng vốn đầu tư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2013, EVN đề ra mục tiêu xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện với tổng giá trị khoảng 106.605 tỷ đồng; trong đó, đầu tư thuần là 75.973 tỷ đồng, tăng 39,65% so với năm 2012; còn lại là trả nợ gốc và lãi vay toàn tập đoàn.

Năm 2013 là năm bản lề cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Với mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%, hoàn toàn có khả năng các ngành sản xuất công nghiệp phục hồi trở lại. Và tất yếu, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế sẽ tăng cao hơn năm 2012. Điều này đã đặt gánh nặng lên vai ngành điện khi giải quyết bài toán trên 106.000 tỷ đồng vốn đầu tư.

Chiếm 7,22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Tại hội nghị tổng kết năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương EVN trong việc đưa hàng loạt các công trình điện vào vận hành trong năm 2012 với tổng số vốn đầu tư trên 71.000 tỷ đồng, tăng 20,63% so với năm 2011 và bằng 7,22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện.

Nhờ thực hiện được giá trị khối lượng và vốn đầu tư xây dựng lớn trong điều kiện vô cùng khó khăn về vốn đã tăng thêm năng lực cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Do đó, năm 2012 cũng là năm đầu tiên hệ thống điện Việt Nam có công suất dự phòng.
 
Ngành điện và bài toán 106.000 tỷ đồng vốn đầu tư - Ảnh 1
 
Toàn cảnh Nhà máy Thủy diện Sơn La trong ngày khánh thành 23/12/2012 (chụp từ máy bay trực thăng). (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Nhìn lại năm qua có thể thấy, EVN đã đưa vào vận hành 7 tổ máy phát điện với tổng công suất 1.453MW gồm tổ máy 5 và 6 thủy điện Sơn La, thủy điện Đồng Nai 4, thủy điện Kanak và tổ máy 1 - Nhiệt điện Quảng Ninh 2.

Riêng công trình thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, công suất 2.400MW đã khánh thành vượt trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại giá trị kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng cho đất nước.

Bên cạnh đó, tập đoàn còn khởi công 3 dự án nguồn điện gồm: Tổ máy 2 nhiệt điện Ô Môn 1 - tổ máy 2, nhiệt điện Duyên Hải 3 và thủy điện Trung Sơn, với tổng công suất gần 1.800MW. Các dự án nhiệt điện Nghi Sơn 1, Mông Dương 1, Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 đều bám sát mục tiêu tiến độ. Các dự án thủy điện cũng hoàn thành mục tiêu chống lũ năm 2012. Riêng Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 và các dự án thành phần đã và đang chuẩn bị đầu tư theo đúng yêu cầu tiến độ của Ban Chỉ đạo Nhà nước.

Đồng bộ với các công trình nguồn, EVN còn hoàn thành đóng điện 147 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng dung lượng trạm biến áp tăng thêm 7.010 MVA và 2.078km tổng chiều dài đường dây xây mới, cải tạo nâng cấp. Trong đó có các công trình chống quá tải quan trọng như nâng công suất trạm 500kV Ô Môn và các trạm 220kV Hải Dương, Phủ Lý, Thái Bình, Buôn Kuốp, đường dây 220kV Đồng Hòa-Thái Bình mạch 2, nâng khả năng tải đường dây 220kV Nho Quan-Ninh Bình...

Trong năm, tập đoàn đã khởi công 25 công trình lưới điện 500-220kV. Các dự án cấp điện nông thôn tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Kiên Giang đang thi công theo đúng tiến độ. Các Tổng công ty Điện lực đang tích cực triển khai các dự án cấp điện cho các huyện đảo Cô Tô, Phú Quốc và Lý Sơn. Ngoài ra, Tập đoàn đã hoàn thành đề án Cấp điện cho các thôn, bản và hải đảo chưa có điện giai đoạn 2012-2020, báo cáo Bộ Công Thương để trình Chính phủ phê duyệt.

Mặc dù khối lượng đầu tư vốn lớn như vậy nhưng trong năm 2012, tập đoàn đã cơ bản thu xếp đủ vốn để thực hiện đầu tư các công trình nguồn và lưới điện trong kế hoạch; ký được các hợp đồng vay trên 13.000 tỷ đồng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ưu đãi trong nước. Tổng nguồn vốn nước ngoài đã ký kết trong năm đạt 1,93 tỷ USD. Do vậy, đến cuối năm 2012 toàn bộ các dự án nguồn điện và lưới điện trọng điểm đã được thu xếp đủ vốn đối ứng và vốn vay, đảm bảo để các dự án này thực hiện được kế hoạch về khối lượng và tiến độ trong năm 2013.

Ưu tiên công trình trọng điểm

Năm 2013, EVN đề ra mục tiêu xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện với tổng giá trị khoảng 106.605 tỷ đồng; trong đó, đầu tư thuần là 75.973 tỷ đồng, tăng 39,65% so với năm 2012; còn lại là trả nợ gốc và lãi vay toàn tập đoàn.

Theo đó, trong năm nay, EVN phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành 6 tổ máy với tổng công suất 1.440MW và 196 công trình lưới điện từ 110-500kV; trong đó có các dự án lưới điện truyền tải quan trọng như đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông; các đường dây 500kV Phú Mỹ-Sông Mây, Sông Mây-Tân Định; các trạm 500kV Sông Mây, Cầu Bông và các đường dây 220kV đấu nối; các công trình cấp bách cấp điện thành phố Hà Nội đồng thời khởi công các dự án nhiệt điện Thái Bình (600MW); nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (1.200MW); dự án cảng than Duyên Hải; 52 công trình lưới điện 500-220kV; dự án cấp điện cho các huyện đảo Phú Quốc, Lý Sơn....

Để thực hiện khối lượng vốn đầu tư quá lớn này, EVN yêu cầu các ban quản lý dự án đôn đốc và giám sát chặt chẽ đối với các nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị; nghiệm thu nhanh khối lượng, thanh toán kịp thời cho các nhà thầu. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ từ các bộ ngành để tập trung giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Bên cạnh đó, tổ chức giao ban thường xuyên tại công trường nhằm kiểm điểm đánh giá thực hiện kế hoạch tiến độ hàng tháng, hàng tuần của các dự án để điều hành và quản lý tiến độ công việc và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại hiện trường.

Năm nay, tập đoàn sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, các công trình có thể hoàn thành dứt điểm trong năm để đưa vào khai thác phát huy ngay hiệu quả; Kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng theo thiết kế và hợp đồng. Song song với đó là chú trọng công tác lập kế hoạch, nghiệm thu để giải ngân nhanh các nguồn vốn.

Cũng trong năm 2013, EVN phấn đấu hoàn thành thủ tục và đàm phán với các tổ chức tài chính và ngân hàng nước ngoài để ký kết khoảng 2,58 tỷ USD cho các dự án điện đồng thời tiếp tục làm việc với các ngân hàng trong nước đã được Chính phủ chỉ đạo cho các dự án điện vay vốn để vay được khoảng 11 nghìn tỷ đồng cùng với phát hành trái phiếu trong nước để huy động vốn. EVN cũng xúc tiến giải ngân nhanh các nguồn vốn ODA đã có hiệu lực để vận động các khoản vay ODA mới.

Hiện nay, EVN đang kiến nghị Chính phủ tiếp tục bố trí vốn ngân sách nhà nước để EVN có đủ vốn triển khai các dự án cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đối với các dự án điện IPP, Bộ Công Thương có trách nhiệm đôn đốc đảm bảo tiến độ vận hành cung cấp điện trong năm 2013./.