Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành du lịch: Loay hoay tìm lối thoát

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồi phục chưa được bao lâu, dịch Covid-19 đã tái bùng phát trở lại khiến ngành “công nghiệp xanh” Hà Nội và cả nước lại một lần nữa tổn hại.

Để vượt qua khó khăn, ngành du lịch, các DN lữ hành, cung ứng dịch vụ khách sạn, vận chuyển vẫn đang loay hoay tìm lối đi riêng nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Hủy tour vì dịch Covid-19
Anh Nguyễn Minh Kha, nhân viên văn phòng cho biết, sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP Đà Nẵng, tôi đã hủy chuyến du lịch tới TP này, thay vào đó, anh làm việc với DN du lịch để được hoàn lại tiền. Đây là một trong rất nhiều du khách hủy tour du lịch của mình khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Thông tin từ các DN du lịch cho thấy, tính đến thời điểm này, 100% khách đã hủy tour đi Đà Nẵng, Hội An do dịch Covid -19 đang bùng phát tại khu vực này. Phó trưởng phòng Tiếp thị & Truyền thông Công ty Vietrantour Trần Trung Kiên cho biết: Tổng số khách hoãn, hủy tour đi từ nay đến hết 31/8 tới Đà Nẵng, Hội An và một số tỉnh miền Trung lên tới gần 3.000 khách. Tương tự Công ty du lịch Vietravel với hơn 20.000 khách hàng, kế đến là Lữ hành Saigontourist với hơn 10.000 khách hàng hủy tour do dịch Covid-19 tái bùng phát.
 Khách du lịch tham quan đảo Ngư, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Công Hùng
Chưa dừng lại ở đó, do tâm lý lo sợ dịch bệnh của khách hàng khiến các tour du lịch ở những địa phương khác như Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang…. mặc dù không có dịch Covid-19, khách hàng cũng đồng loạt hủy tour trong khi mùa hè là mùa cao điểm du lịch chỉ còn khoảng 1 tháng. Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy trong tháng 7, có 28 DN lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội đã đưa 6.681 khách đến Đà Nẵng. Từ ngày 28 - 30/7, có 7.503 khách của 22 DN lữ hành Hà Nội hủy tour nội địa tại nhiều điểm du lịch.
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, đợt dịch bùng phát trở lại lần này tác động tới các DN lữ hành rất lớn vì hầu hết chỉ vừa quay lại hoạt động, chưa có doanh thu sau thời gian thu hẹp hoạt động vì dịch bệnh. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ lo ngại sau đợt dịch thứ hai này sẽ có nhiều DN lữ hành khó gượng dậy kinh doanh bởi từ đầu năm đến nay không có doanh thu.
Tìm tiếng nói chung
Thực tế cho thấy, thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra cho ngành Du lịch đang hiện hữu, trong khi các DN lữ hành đang phải đối mặt với nhiều các quy định khác nhau về việc hoãn, hủy, lùi dịch vụ tour từ các đối tác cung ứng dịch vụ. Để vực dậy ngành du lịch khi “dập tắt” được dịch Covid-19 đòi hỏi khách hàng và đối tác phải tìm tiếng nói chung trong việc xử lý những vướng mắc.
Giám đốc Công ty du lịch Ascend Travel Dương Mai Lan chia sẻ, đối với tuyến Đà Nẵng, các DN lữ hành phần nào đã hoàn trả tiền dịch vụ, còn thực tế chính họ cũng chưa chắc chắn khi nào mới nhận được tiền hoàn từ các đối tác. Với rất nhiều tuyến điểm khác, du khách chỉ được phép lùi dịch vụ, còn hoàn hủy là mất hết chi phí vé, phòng khách sạn.
“Tuyến Đà Nẵng sau khi có lệnh giãn cách xã hội, các chuyến bay dừng từ ngày 28/7 thì khách được hoàn tiền, song trên thực tế phải sau 90 ngày mới được nhận. Còn các tuyến khác như: Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Hạ Long... chỉ được bảo lưu, thời hạn sử dụng dịch vụ trước 31/12/2020” - bà Lan dẫn chứng.
Theo các công ty lữ hành, để có giải pháp xử lý khủng hoảng cần có sự vào cuộc và cùng chia sẻ khó khăn của ba bên: Lữ hành, hàng không, khách sạn. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nêu rõ, các hãng hàng không cần có chính sách cụ thể trong việc hoàn hoặc hoãn chuyến đối với các khách đoàn. Các cơ sở lưu trú và điểm đến cũng nên mở rộng thời hạn đón khách để những khách không thực hiện được chuyến du lịch thời gian này có thể đi vào thời điểm khác với giá trị tiền không đổi.
Trước đề xuất của các DN lữ hành, các hãng hàng không cho biết, đã nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch. Hiện nay, nhiều vé lẻ sẽ khó được hoàn, hủy, nhưng với khách đoàn của các công ty du lịch, các hãng hàng không cố gắng có chiến lược để khách đổi chuyến hoặc cho phép bảo lưu vé đến tháng 6/2021. Để chia sẻ khó khăn, Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã có công văn đề nghị Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành tạo điều kiện, vận động các DN cung cấp dịch vụ trên địa bàn cùng chia sẻ thiệt hại do dịch Covid-19 với DN lữ hành thông qua bảo lưu tour, dịch vụ đến thời điểm thích hợp, không phạt hủy hoặc có thể hoàn lại chi phí cho các DN lữ hành.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới, dự kiến quý IV/2020 và đầu năm 2021 rất có thể ngành du lịch sẽ phục hồi, đây là niềm hy vọng của ngành du lịch khi phải đối mặt với Covid-19.

"Ngành du lịch đã phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" thì nên chăng lúc này có thêm cuộc phát động người Việt Nam chung tay, chia sẻ khó khăn với DN. Cụ thể, khách có thể bảo lưu tour sang thời điểm thích hợp hoặc đổi bằng voucher du lịch đến địa điểm khác." - Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan