KTĐT - Tính đến cuối năm 2009, Hà Nội có 9 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao, 21 khách sạn 3 sao, 100 khách sạn 2 sao và 65 khách sạn 1 sao. Đi kèm với sự gia tăng này là sự tăng lên về đội ngũ nhân sự của ngành du lịch thủ đô.
Sự phát triển của du lịch - ngành công nghiệp không khói, được Nhà nước chọn là ngành kinh tế mũi nhọn - đang tạo ra hàng triệu việc làm mỗi năm, góp phần tăng cao tỉ lệ LĐ có việc làm, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Tạo nhiều việc làm cho LĐ gián tiếp
Theo số liệu của Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch VN đến năm 2015, tổng số LĐ trực tiếp trong ngành là 503.202 người. Riêng năm 2010 phấn đấu tạo thêm 1,4 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Trước đó, năm 2009 ngành du lịch đã tạo ra khoảng 450.000 việc làm cho LĐ trực tiếp và gần 1 triệu LĐ gián tiếp.
Lượng khách du lịch đến VN các năm vừa qua đều tăng lên, đòi hỏi các DN làm du lịch và những ngành có liên quan như giao thông, môi trường, dịch vụ... cần tăng thêm số cán bộ, nhân viên. Ngành được hưởng lợi đầu tiên từ du lịch là giao thông vận tải. Khoảng 70% - 80% số khách nước ngoài đến VN là đi du lịch, chủ yếu đi bằng đường hàng không, giúp ngành hàng không tăng trưởng mạnh, tạo việc làm cho hàng nghìn LĐ mỗi năm. Nếu năm 2000 chỉ có khoảng 20 hãng hàng không quốc tế khai thác đến VN, thì nay đã lên đến gần 50 hãng.
TCty Hàng không VN cho biết, với trên 70% lượng khách quốc tế đến VN là khách du lịch, ngành du lịch đang đóng vai trò then chốt trong việc lập kế hoạch hoạt động, trong đó có kế hoạch về nhân sự.
Tăng nhanh LĐ trực tiếp
Hiện số du khách đến VN tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM. Nếu như năm 1995, du lịch Hà Nội mới đón 300.000 khách quốc tế thì năm 2005 đã đón trên 1,1 triệu khách và năm 2008 đón 1,3 triệu khách. Lượng khách nội địa đến Hà Nội cũng tăng trưởng ổn định, khiến các cơ sở lưu trú tăng nhanh trong thời gian qua.
Tính đến cuối năm 2009, Hà Nội có 9 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao, 21 khách sạn 3 sao, 100 khách sạn 2 sao và 65 khách sạn 1 sao. Đi kèm với sự gia tăng này là sự tăng lên về đội ngũ nhân sự của ngành du lịch thủ đô.
Năm 2008, Hà Nội (cũ) có trên 40.000 LĐ trực tiếp và khoảng 120.000 LĐ gián tiếp trong ngành du lịch. Nhiều dự án đầu tư du lịch đang triển khai, nhiều DN du lịch mới ra đời... sẽ tiếp tục tạo nhiều việc làm cho LĐ trực tiếp và LĐ gián tiếp trong thời gian tới.
Ông Bùi Xuân Nhật - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết: “Ngành du lịch có nhiều tác động từ trực tiếp, gián tiếp đến lan tỏa. Du lịch đã giải quyết một số lượng lớn việc làm cho NLĐ, giảm tỉ lệ thất nghiệp. Du lịch cũng giúp nhiều làng nghề được phục hồi và phát triển”.
Để ngành du lịch phát triển bền vững, thu hút nhiều khách du lịch đến VN, tạo nhiều việc làm, đội ngũ những người làm du lịch cần phải tăng thêm về số lượng, đảm bảo chất lượng. Hiện cả nước có khoảng 40 trường ĐH có khoa du lịch, ngành đào tạo du lịch hoặc liên quan đến du lịch, 43 trường trung cấp du lịch và nhiều trung tâm đào tạo nghề du lịch.
Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo du lịch chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế. Nhiều địa phương có tiềm năng và điều kiện phát triển du lịch, nhưng chưa có trường đào tạo du lịch. Vì vậy, cần có sự đầu tư đồng đều về cơ sở đào tạo du lịch trong thời gian tới.