Ngành du lịch tìm cách khôi phục sau “bão” Covid-19

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/9, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đã tổ chức lễ phát động trực tuyến chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19".

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy, sau một thời gian dài bị đình trệ, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới.
Khách du lịch quốc tế thăm quan Văn Miếu. Ảnh minh họa

Tại sự kiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, với chủ đề Kết nối xanh du lịch Việt Nam, chương trình lần này nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục lại du lịch Việt Nam, trong đó chú trọng khai thác thị trường nội địa một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến thực tế của dịch bệnh, qua đó tìm cách “sống chung” với Covid-19.
"Chính vì vậy mục tiêu của chương trình là chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái bình thường mới, xây dựng du lịch thành một ngành kinh tế du lịch an toàn. Đồng thời tổ chức các hoạt động du lịch một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế phòng chống dịch của từng địa phương. Tiếp theo là kết nối khách du lịch đi từ vùng xanh (an toàn) với các điểm du lịch xanh (an toàn) trên cơ sở xác định vùng xanh của cơ quan quản lý y tế, cơ quan quản lý có thẩm quyền ở địa phương và ranh giới vùng xanh ở phạm vi chia nhỏ có tính thích ứng cao trong bối cảnh bình thường mới" - ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết thêm, cùng với đó là xây dựng các tiêu chí an toàn cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch nhằm nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch, trước mắt là thị trường nội địa, đồng thời đáp ứng yêu cầu dễ dàng, thuận lợi trong việc áp dụng vào thực tế và tạo điều kiện đánh giá mức độ an toàn của du lịch Việt Nam.
Chương trình cũng đề ra bộ tiêu chí an toàn ở các vị trí làm việc và phục vụ khách, nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phù hợp. Cụ thể, du khách trên 18 tuổi đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 là có thể đi du lịch nội địa, tùy theo mức độ dịch bệnh của điểm đi, điểm đến mà cần thêm kết quả âm tính từ xét nghiệm PCR hoặc test nhanh trong khoảng từ 48 - 72 giờ. Du khách dưới 18 tuổi cần kết quả âm tính với xét nghiệm PCR để du lịch tới các tỉnh, thành phố khác. Doanh nghiệp lữ hành cũng phải thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% người lao động. Những người lao động thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với du khách như hướng dẫn viên, lái xe, phụ xe... phải có trang thiết bị cần thiết.
Về chương trình du lịch, các đơn vị du lịch phải quy định rõ chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2, chi phí điều trị nếu du khách trở thành F0; ngoài bảo hiểm du lịch thông thường, còn phải có bảo hiểm với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
“Việc xây dựng tiêu chí an toàn ở các vị trí làm việc trong chuỗi dịch vụ du lịch cung cấp cho khách nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phù hợp” - ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần