Ngành du lịch vẫn “đói” khách quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 3 tháng ngành du lịch mở cửa hoàn toàn nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. DN du lịch đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thu hút khách khiến ngành này chưa thể phục hồi như kỳ vọng.

Chưa có các đoàn khách quốc tế lớn 

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 nghìn lượt khách, giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid-19. Nguyên nhân được cho là do dịch Covid-19 đã khiến du khách hình thành tâm lý "ngại" đi du lịch ngoài biên giới.

Ngoài ra, vật giá leo thang, lạm phát bao trùm trên thế giới ảnh hưởng đến tình hình tài chính của du khách, khiến nhu cầu đi du lịch bị kiềm chế.

Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour Trần Thế Dũng cho biết, sau 3 tháng du lịch mở cửa đón khách quốc tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu là những nhóm khách nhỏ hoặc người đi công tác kết hợp du lịch Việt Nam, hoàn toàn chưa có những đoàn khách lớn. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng mất một số thị trường chính như Nga và Trung Quốc… do tình hình dịch bệnh và chiến sự giữa Nga và Ukraine.

Khách du lịch quốc tế tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2022
Khách du lịch quốc tế tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2022

Phó Chủ tịch Hiệp Hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, năm 2019 Việt Nam đón được gần 18,1 triệu lượt khách quốc tế. Ở thời điểm đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), đã chiếm khoảng 66% lượng khách đến du lịch Việt Nam. Nhưng sau hai năm đại dịch Covid-19, những thị trường này đều đóng cửa, hiện mới chỉ có Hàn Quốc dần mở cửa trở lại với thị trường khách inbound và outbound, thị trường Nhật Bản thì chọn lọc đối tượng khách, đặc biệt Trung Quốc vẫn chưa cho phép người dân đi du lịch. “Khi những thị trường truyền thống khu vực Đông Bắc Á mở cửa hoàn toàn trở lại thì ngành du lịch Việt Nam mới có thể hồi phục”- ông Phùng Quang Thắng nêu rõ.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, thông thường, mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam rơi vào giai đoạn từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Hơn nữa, nguồn khách quốc tế đến từ các thị trường chi tiêu cao như: châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc… có đặc thù lên kế hoạch chuẩn bị trong thời gian dài. Việt Nam mới mở cửa nên du khách sẽ cần thời gian theo dõi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa phục hồi như mong muốn.

Cần thoáng hơn trong cấp visa

Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế. Nhưng để đạt được mục tiêu này đòi hỏi Nhà nước nên có chính sách cởi mở, thông thoáng trong việc cấp Visa và có thêm phương án hỗ trợ DN. 

Khách du lịch quốc tế thăm quan Hội An (Quảng Nam).
Khách du lịch quốc tế thăm quan Hội An (Quảng Nam).

Giám đốc Điều hành Công ty Du lịch Allez Voyage Nguyễn Xuân Quỳnh chia sẻ, DN đã đón được những đoàn khách từ thị trường Mỹ, nhưng trong quá trình đón khách, DN đang khó khăn khi Việt Nam mới cho phép khách lưu trú 15 ngày, trong khi du khách muốn lưu trú tại Việt Nam lâu hơn.

“Đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á miễn thị thực cho khách quốc tế từ 30 ngày và có thể gia hạn trước khi hết hạn, việc Việt Nam chỉ cấp Visa 15 ngày nên DN khó tổ chức những đoàn quy mô lớn” - bà Nguyễn Xuân Quỳnh phân tích.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng thông tin, hiện thủ tục cấp thị thực điện tử cho khách du lịch quốc tế nhất là khách Nga gặp khó khăn do thời gian chờ đợi quá lâu, du khách không chủ động được thời gian khiến họ buộc phải hủy vé tới Việt Nam.

“Đây chính là nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam bớt hấp dẫn, tính cạnh tranh thấp so với các quốc gia du lịch phát triển khu vực Đông Nam Á” - ông Cao Trí Dũng nói.

 

Thời gian qua, các DN du lịch rất nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam và chính sách mở cửa thông thoáng đón khách quốc tế tới đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, kiểu quảng bá nhỏ lẻ, tự phát thì chưa thể tạo thành hiệu ứng rộng để làm bùng nổ thị trường, do đó, cần thêm những chính sách quảng bá tầm quốc gia. Để làm được việc này chúng ta cần mời các cơ quan báo chí quốc tế, DN du lịch hàng đầu của thế giới tới Việt Nam trải nghiệm du lịch, cho họ thấy đất nước chúng ta thật sự an toàn trước dịch Covid-19. Để phát ngôn hiệu quả thông tin đó, chỉ có thể là Chính phủ và các cơ quan quản lý trực tiếp ngành du lịch. " - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình

Để khắc phục những khó khăn này các DN du lịch có chung kiến nghị, thời gian tới Việt Nam cần áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần, có giá trị miễn Visa 30 ngày, thay bằng 15 ngày như hiện nay dài ngày hơn. Ngoài ra, mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước như: Mỹ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan…Riêng với thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục. Bên cạnh đề xuất tạo thông thoáng cấp Visa, DN du lịch cũng kiến nghị Nhà nước kéo dài thời gian triển khai chính sách hỗ trợ.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ, DN du lịch rất mong muốn Chính phủ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% không chỉ trong năm 2022 mà duy trì chính sách hỗ trợ này trong năm 2023. Trước tiên, ngành ngân hàng nên cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả cho các DN du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đến hết năm 2022.

Theo các nhà quản lý, để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, bên cạnh sự hỗ trợ của  từ Nhà nước, còn đòi hỏi các DN du lịch cần bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo tại chỗ lực lượng lao động hiện có để nâng cấp chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm cũ, mang trải nghiệm mới cho du khách. Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ, các DN cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến và sản phẩm du lịch.

Hiện, Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia Đông Nam Á đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế và luôn đưa ra những chính sách hút du khách quốc tế, nếu chúng ta không tạo thuận lợi thì khó thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.