Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành đường sắt và 5 tỷ đồng xây dựng thương hiệu tàu SE19/20

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sự kiện ngành đường sắt  bỏ ra 5 tỷ đồng tân trang lại toa xe  và nâng cao chất lượng phục vụ đoàn tàu chất lượng cao SE19/20 (Hà Nội-Đà Nẵng) làm cho không ít người ngạc nhiên. Tư duy kinh doanh của người đường sắt thay đổi?

“Chọn Ngày Truyền thống đường sắt (21/10/1946-21/10/2023), gắn với sự kiện ra mắt đoàn tàu chất lượng cao, chúng tôi kỳ vọng tạo bước nhảy về chất lượng phục vụ hành khách”- Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ trong buổi khai trương đoàn tàu SE19 tại ga Hà Nội.

Sức ép thị trường

Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu tăng trưởng 7% sản lượng vận chuyển hàng hoá và 8% sản lượng hành khách. Cùng với đó, tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy nội địa và đường sắt...

Ngày đầu tiên khai trương tàu SE19  xuất phát tại ga Hà Nội đã có 308 hành khách đi tàu, hệ số đặt chỗ đạt hiệu suất 100%, doanh thu 172 triệu đồng.

Theo quy hoạch, dự kiến đến 2030 vận chuyển đường sắt chiếm thị phần khoảng 0,27% về hàng hóa, 4,4% về hành khách trong toàn ngành GTVT.  Đây được xem là một thử thách lớn cho đường sắt trong bối cảnh hiện nay thị phần hành khách chỉ chiếm khoảng 0,61%, hàng hóa chiếm khoảng 1,05%.

“Nút thắt” về năng lực tuyến Bắc-Nam không thể chạy quá 18 đôi tàu/ngày đêm, trong khi đó các loại hình giao thông vận tải khác đang được quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ, gây sức ép cạnh tranh lớn lên đường sắt.

Tổ tàu kiểu mẫu của Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội  được tuyển chọn để phục vụ ram tàu SE19/20. Ảnh TA
Tổ tàu kiểu mẫu của Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội  được tuyển chọn để phục vụ ram tàu SE19/20. Ảnh TA

Lấy ngắn, nuôi dài

Trước bối cảnh đó, VNR đã chủ động lập phương án nâng cao năng lực liên vận quốc tế bằng đường sắt và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, giao cho Bộ GTVT chủ trì để triển khai. Theo đó, từ nay đến năm 2030 đường sắt sẽ được đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các khu ga hàng hóa bằng nguồn đầu tư công và VNR sẽ cố gắng nâng sản lượng hàng hóa vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn/năm tăng lên gấp 3-4 lần.

Thực tế, đầu năm 2023, VNR đã tổ chức khai trương hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Kép (Bắc Giang). Đây là bước khởi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa “ga cửa khẩu đường sắt” vào sâu trong nội địa để tăng cường năng lực thông quan. Hiện, VNR đang tích cực phối hợp, đề xuất, chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện cải tạo, mở rộng, nâng cấp ga Sóng Thần (Bình Dương) và ga Cao Xá (Hải Dương) để đưa vào khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT đầu tư nâng cấp kho, bãi tiêu chuẩn để vận chuyển hàng xuất - nhập khẩu.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm đường sắt đã vận chuyển 3,1 triệu hành khách, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hàng hóa chỉ đạt 2,2 triệu tấn hàng, giảm sâu 26,4% so với cùng kỳ; luân chuyển chỉ đạt 1,8 tỷ tấn.km, cũng giảm tới trên 23,9%. Ngoài việc khó khăn chung của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, vận tải hàng hóa đường sắt phải cạnh tranh với vận tải đường thủy. 6 tháng đầu năm, kinh doanh vận tải hàng hóa đã lỗ 80 tỷ đồng, trong khi kinh doanh vận tải hành khách lãi + 114 tỷ đồng.

Năm 2023, kế hoạch kinh doanh VNR phải đạt tổng doanh thu 6.505 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3 tỷ đồng buộc đường sắt phải nhắm vào phân khúc “vận tải tuyến ngắn”. Ông Nguyễn Hữu Tuyên, nguyên Trưởng ban Vận chuyển của VNR chia sẻ:  khi mà các mác tàu Thống Nhất, SE1/2, SE3/4, SE 5/6, S7/8 chạy suốt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chi phí khấu hao, trả lãi toa xe đóng mới chiếm 13-15% doanh thu, phải thu trên 1 tỷ đồng/vòng quay mới có lãi thì phải hướng tới các cung đoạn đường ngắn.

Công ty CP VTĐS Hà Nội (HARACO) lựa chọn 28 toa xe tàu SE19/20 (252 chỗ) trên tuyến Hà Nội – Đà Nẵng, đầu tư trên 5 tỷ đồng cải tạo nội thất. Ảnh AT.
Công ty CP VTĐS Hà Nội (HARACO) lựa chọn 28 toa xe tàu SE19/20 (252 chỗ) trên tuyến Hà Nội – Đà Nẵng, đầu tư trên 5 tỷ đồng cải tạo nội thất. Ảnh AT.

Tăng chất lượng, không tăng giá vé

Công ty CP VTĐS Hà Nội (HARACO) lựa chọn 28 toa xe tàu SE19/20 (308 chỗ) trên tuyến Hà Nội – Đà Nẵng, đầu tư trên 5 tỷ đồng (đầu tư ban đầu) cải tạo nội thất, vệ sinh để xây dựng thương hiệu vận tải chất lượng cao nhận diện riêng được coi là một quyết định được cho là táo bạo. Nhất là khi họ quyết định không tăng giá vé. Giá vé Hà Nội – Đà Nẵng đầu tuần cao nhất 943.000 đồng/vé, giá vé cuối tuần cao nhất 1.046.000 đồng/vé. 

“Việc HARACO chọn mác tàu SE19/20 làm điểm đột phá để nâng cao chất lượng phục vụ, bằng cách chọn đội ngũ nhân viên “chuẩn 4.0”, chăm chút cho “thương hiệu HARACO” từ thái độ phục vụ, chất lượng ăn uống, vệ sinh trên tàu không phải là cách làm mới, đường sắt đã từng làm. Cái mới là chúng tôi sẽ duy trì dài lâu thương hiệu này và nhân rộng ra các tuyến khác” - CEO HARACO Nguyễn Viết Hiệp chia sẻ.

Ngoài việc HARACO bố trí phòng đợi tàu chất lượng cao tại các nhà ga tàu dừng:  Hà Nội, Ninh Bình, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, hành khách đi tàu có thể đặt mua các đặc sản vùng miền đoàn tàu đi qua thông qua ứng dụng QR. Kết quả đầu tư của HARACO cho đoàn tàu chất lượng cao SE19/20 là sẽ bài học kinh nghiệm quý cho đường sắt trong kinh doanh vận tải hành khách trong thời gian tới.