Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành giáo dục bàn chuyện: Xuất hiện ChatGPT, sinh viên có cần làm bài luận?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trí tuệ nhân tạo AI cùng sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu. Để thích ứng với những tác động mạnh mẽ của ChatGPT và AI đối với giáo dục, Bộ GD&ĐT đã chủ động tìm hiểu, từ đó nhận thức rõ cơ hội và thách thức đang đặt ra.

Vai trò của người thầy sẽ thay đổi

Phát biểu tại Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ GD&ĐT phối hợp Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận: Công nghệ thông tin trong nhiều thập kỷ qua mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Sự ra đời của những công nghệ, công cụ mới đều giúp cho công việc của chúng ta trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn; đặc biệt giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục.

Các chuyên gia, khách mời tham gia tọa đàm“ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”
Các chuyên gia, khách mời tham gia tọa đàm“ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”

“Trước kia, ngành Giáo dục/các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức. Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi. Chúng ta chứng kiến sự ra đời của nhiều công nghệ: Radio, tivi, camera, dạy học trực tuyến… Nhiều người lo lắng vai trò người thầy sẽ mất đi, giáo dục cũng sẽ có những thách thức rất lớn. Cuối cùng thì tất cả những công nghệ đó đều giúp cho tất cả các ngành, trong đó, đã tạo cơ hội cho giáo dục có bước tiến lớn…”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định.

Hiện Bộ GD&ĐT cùng ngành Giáo dục đã chủ động tìm hiểu và nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục, sẽ sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục.

Những công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục, từ chương trình giáo dục, cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học; quan trọng đây là vai trò cá nhân hóa, cá thể hóa quá trình học tập của người học và ngày càng hướng tới quá trình dạy và học, hướng tới người học nhiều hơn là người dạy.

“Vai trò người thầy sẽ thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để không chỉ là thích ứng mà còn đón đầu và còn để phát huy những lợi thế của công nghệ. Người học sẽ phải thay đổi như thế nào và chính sách của Nhà nước sẽ phải thay đổi, điều chỉnh như thế nào để chúng ta tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

ChatGPT là trợ thủ của giáo dục

Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Thành Nam, người sáng lập FUNiX cho rằng, ChatGPT là sự chứng nhận về mục tiêu cuối cùng của đào tạo, đó là người học phải tự học, quan trọng nhất là phải đưa ra những câu hỏi. Lâu nay, người học thường sợ hỏi, không dám hỏi, trong khi đó ChatGPT cho phép người học hỏi các kiểu; như vậy, ChatGPT không đe doạ giáo dục mà nó đi đúng bản chất của giáo dục.

hơn 20 triệu học sinh, 1,5 triệu nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục hãy dùng, cảm nhận, trải nghiệm để hiểu hơn rồi cùng thảo luận, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Hơn 20 triệu học sinh, 1,5 triệu nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục hãy dùng, cảm nhận, trải nghiệm để hiểu hơn về ChatGPT 

Chuyên gia giáo dục Lê Thống Nhất nhấn mạnh, để dùng được ChatGPT thì cần có sự nghiên cứu để định hướng cách dùng ChatGPT trong giáo dục. Mục tiêu lớn nhất của AI là tạo ra văn bản giống như của con người. ChatGPT cho phép xử lý hàng triệu văn bản để đưa ra cho khách hàng một cách trả lời ngắn gọn nhất. Hiện nay, ở Mỹ đã có những trường ĐH cấm và chặn ChatGPT tuy nhiên nhiều trường khác giáo viên đã sử dụng ChatGPT để tạo tình huống trong giảng dạy hay giao bài tập cho học sinh, vì vậy, hãy coi ChatGPT là một trợ lý, trợ thủ đắc lực của người thầy.

Bày tỏ quan điểm về ChatGPT, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, ĐH Bách Khoa Hà Nội nêu: Việc cấm sinh viên sử dụng ChatGPT vì lo lắng “các bài luận sẽ không do sinh viên làm” là bảo thủ, mà nên bàn luận bài luận có AI tác động có thể tiếp tục nâng chất lượng lên hay không; qua đó để thấy công nghệ hỗ trợ sinh viên tốt hơn và nâng cao chất lượng giáo dục hơn. Công nghệ không đe dọa ai, đó chính là tương lai của giáo dục.

“ChatGPT là một thành tựu và người dùng đại chúng được trải nghiệm thấy được AI không quá xa xôi; tuy vậy, AI chưa thể thay thế tư duy của con người. Người dùng nên tiếp cận một cách chừng mực và coi đây là công cụ phục vụ cho công việc của mình”- PGS.TS Tạ Hải Tùng gợi mở.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Phùng Việt Thắng cho rằng, ChatGPT là một phiên bản thành công của AI, có yếu tố khác các sản phẩm trước là tính phổ cập, tiếp cận, học hỏi mang màu sắc của ngôn ngữ. ChatGPT sẽ trở thành một trợ lý rất tốt cho giáo dục và là một bước để tạo ra một AI có năng lực tư duy của con người.

Qua hai chủ đề thảo luận: “Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục” và “Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục”, tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” đã thu được nhiều ý kiến giá trị của các lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia CNTT, chuyên gia giáo dục.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, trước mắt chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận về trí thuệ nhân tạo AI, ChatGPT và cách đón nhận nó. Công nghệ, công cụ này có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1,5 triệu nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục hãy dùng, cảm nhận, trải nghiệm để hiểu hơn rồi cùng thảo luận, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại, tương lai phát triển của ChatGPT; từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài, kịp thời cho giáo dục trong thời gian tới.