Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành giáo dục Hà Nội: chú trọng “3 giảm”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giảm thời gian giải quyết, giảm thành phần hồ sơ, giảm chi phí cho tổ chức, công dân là tiêu chí “3 giảm” trong quy trình giải quyết từng thủ tục hành chính (TTHC) được Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và mục tiêu này tiếp tục được chú trọng trong năm học 2016 - 2017.

Tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, giải quyết tốt TTHC lĩnh vực GD&ĐT cho công dân, đặc biệt các gia đình của trên 1,7 triệu học sinh (HS) là đã góp phần giải quyết TTHC cho gần 1/4 dân số toàn TP. Vì vậy, Sở đã nhiều lần họp để thống nhất rà soát số TTHC, quy trình giải quyết từng TTHC theo phương thức “3 giảm”.

Hết tháng 7/2016, Sở đã giảm từ 54 TTHC đang thực hiện xuống 40 TTHC, tất cả được giảm tối đa thời gian giải quyết. Nhờ xây dựng, thực hiện phần mềm giải quyết văn bằng cho HS, thời gian trả được bản sao văn bằng đã giảm từ 7 ngày còn 1 ngày, cấp lại bản sao văn bằng từ 5 ngày còn 1 ngày, tạo thuận lợi cho hàng vạn HS mỗi năm. 31/40 TTHC cũng được giảm về thành phần hồ sơ, giấy tờ, vì công dân không còn phải nộp bản công chứng…

Kết quả năm 2015 và 7 tháng năm 2016, ngành GD&ĐT đã giải quyết đúng hạn 98,5% trong số 5.577 hồ sơ tiếp nhận. Nhiều năm qua, ngành không nhận được đơn thư kiến nghị về việc giải quyết TTHC. Đặc biệt, Sở đã thực hiện 100% TTHC đạt mức độ 2, một TTHC đạt mức độ 4 (cấp lại bản sao văn bằng chứng chỉ), đang xây dựng 3 TTHC đạt mức độ 3 và xây dựng phần mềm tiếp nhận hồ sơ - trả kết quả TTHC. Phấn đấu đến năm 2020 có 28 TTHC đạt mức độ 3, chiếm 70% tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

Mục tiêu 100% hồ sơ được giải quyết đúng, trước hạn

Ông Độ khẳng định: Trong năm học mới 2016 - 2017 và đến năm 2020, trọng tâm công tác cải cách hành chính được ngành đặt ra là cải cách TTHC, công khai, minh bạch, giảm thiểu thời gian và chi phí cho người dân. Đặc biệt, 100% TTHC liên quan đến tổ chức và cá nhân được thực hiện thông qua một cửa, một cửa liên thông; 100% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hoặc trước hạn. Ngay trong năm nay, Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện công khai, đánh giá các nhóm TTHC liên quan đến thành lập, cấp phép, gia hạn cơ sở giáo dục tiểu học, THCS thuộc quyền của quận, huyện; yêu cầu 100% phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc công khai TTHC liên quan đến giáo viên, HS. Ngoài ra, sẽ đánh giá sự hài lòng của người dân về việc giải quyết TTHC vào cuối năm học.
Đoàn giám sát của Thành ủy Hà Nội khảo sát hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính tại trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình).
Đoàn giám sát của Thành ủy Hà Nội khảo sát hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính tại trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình).
Riêng với các trường học, Sở đã yêu cầu xây dựng, thực hiện nghiêm bộ TTHC liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS và phụ huynh, trong đó phải có văn bản hướng dẫn quy trình, nơi tiếp nhận, thời hạn trả kết quả theo phương châm giải quyết nhanh nhất, hạn chế thủ tục không cần thiết. Thực hiện chỉ đạo này, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) Phạm Vương Tấn nhấn mạnh: Trường sẽ tiếp tục thực hiện 30 TTHC đang triển khai theo hướng tiết kiệm thời gian, thể hiện tinh thần phục vụ. Đồng thời, sẽ thực hiện tốt việc hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh vào trường, trong đó các văn bản được công khai trên website để HS và phụ huynh chủ động trước, bố trí phòng rộng cho họ chuẩn bị hồ sơ; tiếp nhận theo thứ tự đảm bảo nhanh gọn...

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng, ngành vẫn cần khắc phục ngay việc một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm về cải cách hành chính, giao tiếp thiếu thân thiện với người dân; trong khi công tác tuyên truyền còn hạn chế. Hơn nữa, vẫn ít TTHC được thực hiện theo một cửa liên thông. Sở cũng kiến nghị TP sớm giao Sở TT&TT xây dựng hệ thống phần mềm đồng bộ để 100% sở, ngành tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân theo hướng hiện đại.