Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành hàng tiêu dùng nhanh: Mảnh đất màu mỡ cho sản phẩm Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện các DN Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của DN nước ngoài trong việc phát triển ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Tuy nhiên, nhiều thương hiệu Việt đã có những bước tiến lớn, thậm chí vượt lên trên các đối thủ nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực FMCG.
Doanh nghiệp nội chiếm ưu thế

Giữa tháng 1/2018, Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố Báo cáo “Asia Brand Power” (Thương hiệu châu Á) trong đó nêu rõ thị phần FMCG của các thương hiệu Việt vượt trội so với các thương hiệu quốc tế. Cụ thể, ở thị trường nông thôn, thương hiệu nội địa đang nắm giữ đến 78% thị phần, gấp hơn 3,5 lần so với thị phần của thương hiệu quốc tế. Ở thị trường thành thị, tỷ lệ thương hiệu nội chiếm 71% trong khi hàng ngoại nhập chỉ chiếm 29%. Giám đốc điều hành Kantar Worldpanel Việt Nam David Anjoubault cho biết: Sở dĩ thương hiệu nội chiếm lĩnh thị phần FMCG là do DN sản xuất Việt Nam am tường thị hiếu người tiêu dùng đồng thời liên kết tiêu thụ sản phẩm từ phía DN bán lẻ.
Người tiêu dùng mua sản phẩm tiêu dùng nhanh do DN Việt Nam sản xuất tại phiên chợ Tết 2018 tổ chức tại huyện Ứng Hòa
Trước đó, báo cáo “Top 100 doanh nghiệp FMCG đang hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương” của Công ty Đo lường toàn cầu Nielsen cũng đưa ra nhận định tương tự. Trên phân tích 4 ngành hàng lớn là thực phẩm, nước giải khát, sản phẩm chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân, Công ty Nielsen nhận xét trong năm 2016, trong khi các DN đa quốc gia tăng trưởng 2% về giá trị (so với 5% trong năm 2014), thì các DN Việt Nam đã đạt được mức 7%. Các DN Việt Nam đóng góp đến 42% trong tổng số doanh thu của toàn ngành hàng FMCG. Xét ở từng ngành, các DN nội chiếm ưu thế về thị phần ngành thực phẩm và nước giải khát với tỷ lệ lần lượt là 69% và 45%. Theo Trưởng bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ Nielsen Việt Nam Nguyễn Anh Dũng, sự tăng trưởng của các thương hiệu Việt đến từ nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm ngày càng được cải tiến; giá cạnh tranh; hệ thống phân phối rộng khắp được duy trì liên tục trong thời gian dài, có khả năng tiếp cận người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa.

Nâng chất lượng hàng hóa

Theo Bộ Công Thương, vài năm trở lại đây, FMCG đã có nhiều cơ hội phát triển khi tốc độ tăng trưởng chi tiêu thực của người dân giai đoạn 2011 - 2016 trong bán lẻ là 3%, hàng tiêu dùng là 6%, ngành thực phẩm và đồ uống 3%. Công bố của Kantar World và Nielsen đã khẳng định ưu thế của các mặt hàng tiêu dùng nhanh được sản xuất trong nước như bia, thực phẩm, sữa, đồ uống, sản phẩm chăm sóc gia đình… trước hàng ngoại nhập.

Mặc dù ở ngành hàng FMCG, DN Việt Nam đã có phần áp đảo DN nước ngoài nhưng họ mới chú trọng đến thị trường thành thị, chưa quan tâm thị trường nông thôn rộng lớn. Để chiếm lĩnh tốt hơn ngành hàng này, theo Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, DN Việt cần tự nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chế biến đặc biệt là VSATTP, tăng năng lực sản xuất và tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để có dòng sản phẩm cạnh tranh.

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các DN Việt cần chú ý phát triển mở rộng phân phối cả đến thị trường nông thôn trên cơ sở phải có kế hoạch tập trung đầu tư thích hợp. Đồng thời phải tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, sử dụng nguồn hàng của nhau... nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho toàn ngành. Bên cạnh đó, cần sử dụng kênh phân phối hiện đại thành công cụ quảng bá sản phẩm, sau đó tấn công mạnh thị trường nông thôn bởi đây mới là mảnh đất màu mỡ cho ngành hàng FMCG phát triển, thu lợi nhuận.

"Nhà nước cần coi đầu tư vào hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống phân phối là yêu cầu của sự phát triển, là một chính sách kích cầu để có cơ chế tài chính hỗ trợ DN. Trong đó, cần hỗ trợ kinh phí cho DN sản xuất hàng Việt có chất lượng cao và uy tín để mở rộng hệ thống phân phối, xúc tiến thương mại." - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Vũ Thanh Sơn