Ngành, lĩnh vực nào đã phân cấp về địa phương sẽ tổ chức lại mô hình tổng cục

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước đòi hỏi đối với ngành, lĩnh vực nào cần tập trung thống nhất thì duy trì tổng cục; còn với ngành, lĩnh vực nào mà hiện chức năng nhiệm vụ đã cơ bản phân cấp về địa phương thì sẽ tổ chức lại mô hình tổng cục. Làm sao giảm được cấp trung gian, tinh gọn bộ máy", Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam nhấn mạnh.

Tại buổi Họp báo định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức chiều nay (5/11), Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam đã trao đổi một số nội dung đáng chú ý liên quan công tác sắp xếp các tổ chức bên trong của các bộ, ngành, địa phương cũng như công tác tinh giản biên chế.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 năm 2021 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, tới đây Thủ tướng sẽ thành lập một Ban Chỉ đạo (BCĐ), bởi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. BCĐ sẽ chỉ đạo việc sắp xếp kiện toàn bộ máy bên trong.

Trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định về tổ chức, xác định rõ các tiêu chí, điều kiện, vì vậy tới đây các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Chính phủ khi rà soát chức năng nhiệm vụ để xây dựng các phương án kiện toàn cơ cấu bên trong, về nguyên tắc đều phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam cung cấp thông tin tại Họp báo 
Trong đó, trước vấn đề được đặt ra liên quan trong cơ cấu của các bộ có tổng cục, ông Vũ Hải Nam cho hay: Qua đánh giá cơ cấu Chính phủ khóa XIV đã xác định hiện có một số tổng cục phải được tính toán trong sắp xếp, ngành, lĩnh vực nào cần tập trung thống nhất thì duy trì tổng cục, còn đối với ngành, lĩnh vực nào hiện chức năng nhiệm vụ đã cơ bản phân cấp về địa phương rồi, sẽ tổ chức lại mô hình tổng cục. Làm sao giảm được cấp trung gian, tinh gọn bộ máy.
Đặc biệt, về dư luận liên quan việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xóa bỏ 3 tổng cục nhưng lại sinh ra nhiều vụ, cục, ông Vũ Hải Nam cho biết, Bộ Nội vụ đã nhận được văn bản và đang xem xét các phương án để xác định tổ chức lại các tổng cục này hoạt động theo mô hình nào, số lượng cơ cấu tổ chức bên trong của Bộ hình thành bao nhiêu đầu mối… Bộ Nội vụ sẽ tập hợp, báo cáo BCĐ, trên cơ sở ý kiến của BCĐ, Bộ sẽ có thẩm định chính thức.
“Việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức lần này ngoài giải quyết tình trạng giao thoa, chồng chéo giữa các bộ, còn giải quyết tình trạng giao thoa giữa các đơn vị trong bộ, theo nguyên tắc một việc chỉ giao một đầu mối thực hiện. Những ngành có mối quan hệ liên thông với nhau cũng nên giao một đầu mối thực hiện. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tập trung báo cáo BCĐ thẩm định với tinh thần khẩn trương để các bộ tiếp thu, giải trình trong tháng 12/2021, sớm ban hành nghị định, để bộ máy sớm được ổn định, đi vào hoạt động trong cả nhiệm kỳ hiệu lực, hiệu quả”- ông Vũ Hải Nam khẳng định.
Quang cảnh buổi Họp báo tại Bộ Nội vụ 
Bên cạnh đó, liên quan công tác tổ chức bộ máy ở các địa phương, ông Vũ Hải Nam cho hay, các địa phương đang tập trung triển khai thực hiện các Nghị định 107/2020/NĐ-CP và 108/2020/NĐ-CP trong đó xác định một số tiêu chí đối với các cơ quan chuyên môn. Có những sở ngành sau khi được điều chỉnh tiêu chí (Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc…) thì đã giảm được một số đầu mối. Tính đến thời điểm hết tháng 6/2021, công tác sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh đã đạt kết quả còn 1.173 sở, giảm 7 sở so với thời điểm 30/6/2017, ông Vũ Hải Nam thông tin, đó là tại các tỉnh: Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Ninh, Đăk Nông, Cà Mau, Bạc Liêu (Bạc Liêu giảm 2 sở).
Cũng tại Họp báo, trả lời câu hỏi về số lượng biên chế thực tế giảm là bao nhiêu và sau khi giảm thì khả năng đáp ứng công việc ra sao, Vụ trưởng này cho biết, việc tinh giản biên chế đã có hiệu quả bước đầu. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu tinh giản biên chế trong thời gian tới, cần sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy bên trong các bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn thuộc địa phương. Tuy nhiên, không hẳn việc cơ cấu lại phòng, sở, sắp xếp bộ máy là phải giảm biên chế. Theo Nghị định 108/2020/NĐ-CP, việc dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy chỉ là một trong các trường hợp. Vì vậy, Bộ Nội vụ theo dõi, thống kê về tổng số giảm biên chế chứ chưa theo dõi việc giảm do sắp xếp lại phòng, sở thì giảm được bao nhiêu biên chế.
“Dù tinh giảm biên chế, số lượng người giảm đi, khối lượng công việc tăng lên nhưng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, cùng với việc đổi mới phương thức làm việc, ứng dụng CNTT thì chất lượng công việc vẫn được đảm bảo... Khi áp dụng đồng bộ các giải pháp thì chúng ta sẽ thực hiện tốt mục tiêu tinh giản biên chế”- ông Vũ Hải Nam chia sẻ.