70 năm giải phóng Thủ đô

Ngành nhựa xây dựng còn nhiều dư địa

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với các DN ngành nhựa xây dựng, thị phần nhu cầu xây dựng nhà ở và hạ tầng là điểm tựa cho phát triển.

Ngành nhựa xây dựng dự báo còn nhiều khó khăn trong năm 2023. Ảnh: Tuấn Sơn
Ngành nhựa xây dựng dự báo còn nhiều khó khăn trong năm 2023. Ảnh: Tuấn Sơn

Trải qua 2 năm đầy khốc liệt, giờ đây, với dự báo còn nhiều khó khăn trong năm 2023, thị trường sẽ càng trở nên khốc liệt.

Đã có doanh nghiệp lãi

Trải qua năm 2020, 2021 đầy khốc liệt, "ông lớn" Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 đạt 1,440 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 885 tỷ đồng, thấp hơn 14%.

Đặt mục tiêu năm nay có doanh thu 6.357 tỷ đồng và lãi sau thuế 651 tỷ đồng, thì hết quý I/2023, DN đã đi được gần 1/4 chặn đường (23%) về doanh thu và gần nửa chặng đường (43%) về lãi sau thuế.

Nhận định về kết quả kinh doanh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị BMP Nguyễn Hoàng Ngân nhận định, tình hình thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, bắt đầu từ 6 tháng cuối năm 2022, kéo dài đến năm nay và cũng có nhiều dự đoán tiếp tục gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2023. Sản lượng bán hàng đầu năm vẫn bị ảnh hưởng như các nhà sản xuất khác ở Việt Nam và trong khu vực.

Tuy nhiên, lãnh đạo BMP cho biết, sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch doanh thu mục tiêu năm 2023 đạt 6.357 tỷ đồng, tăng 9,1% so với mức thực hiện năm trước. Doanh thu kế hoạch của BMP trong năm 2023 dù chỉ dự kiến tăng trưởng 1 chữ số nhưng lại là mức doanh thu cao kỷ lục của công ty từ trước đến nay.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh trực tiếp (cùng phân khúc sản phẩm ống nhựa) với Nhựa Bình Minh là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong), 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% so với cùng kỳ, đã dẫn tới biên lợi nhuận cải thiện từ 25% lên 29%.

Nhìn lại năm 2022, kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất của Nhựa Tiền Phong đã ghi nhận ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây với tổng doanh thu đạt 5.685,1 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với năm 2021 và lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 564,48 tỷ đồng.

Kết quả này đã vượt 9,8% kế hoạch doanh thu và 21,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Ban lãnh đạo công ty đã đề ra mục tiêu cho năm 2023 ở mức cao với doanh thu thuần đạt 5.875 tỷ, sản lượng đạt hơn 100.000 tấn và lợi nhuận đạt 535 tỷ đồng, duy trì mức tăng trưởng 5%.

Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong Đặng Quốc Dũng chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, cụ thể là trong vòng 10 năm trở lại, công ty luôn duy trì ổn định tỷ suất lợi nhuận/doanh thu từ 9 - 11%/năm. Để có tỷ suất lợi nhuận như vậy, Nhựa Tiền Phong đã phải áp dụng những chính sách linh hoạt, bám sát thị trường, chính sách phù hợp trong mua dự trữ nguyên liệu”.

Nhiều đối thủ cạnh tranh

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 của Công ty CP Nhựa Bình Minh, một số cổ đông đã bày tỏ lo ngại về việc sẽ có nhiều DN mới muốn gia nhập ngành nhựa trong thời gian tới khi nhìn thấy kết quả kinh doanh khả quan. Do vậy, mức độ cạnh tranh ngành nhựa sẽ tăng lên trong thời gian tới.

 

Theo thông tin từ VPA, tính đến năm 2022, Việt Nam có trên 3.300 DN nhựa với 250.000 người lao động. Năm 2022, sản lượng nhựa đạt 9,54 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt xấp xỉ 25,18 tỷ USD, tăng 5,68% so với cùng kỳ.

Trả lời vấn đề trên, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị BMP Nguyễn Hoàng Ngân cho biết, khó có khả năng sẽ có nhiều nhà đầu tư mới trong 1 - 2 năm sắp tới. Hiện tại, có nhiều nhà sản xuất cùng ngành vừa và nhỏ muốn dừng kinh doanh do khó khăn của thị trường và cạnh tranh cao.

Ban lãnh đạo của công ty chia sẻ thêm, các DN mới thâm nhập thị trường thường tập trung vào các cỡ sản phẩm trung bình - nhỏ và mong muốn tăng lợi nhuận bằng cách thêm vào một số phụ gia. Tuy nhiên, không dễ dàng để sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao. Đây là một yếu tố then chốt trong mỗi sản phẩm ở từng giai đoạn.

Với việc ngành nhựa Việt Nam có đến 90% là DN nhỏ và vừa, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% doanh số của toàn ngành. Nếu nói thị trường chỉ là cuộc đua 70% còn lại giữa Tiền Phong và Bình Minh, thì các DN giàu tiềm lực như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành đang có vẻ "chờ thời" vươn lên vị trí dẫn đầu.

Đơn cử, với Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, chính thức có mặt trên thị trường từ năm 2008, nhưng chỉ sau gần 14 năm phát triển, Nhựa Hoa Sen tập trung vào mảng ống nhựa dân dụng như ống uPVC, ống PPR và đã có được những thành công đáng kể không chỉ ở khu vực phía Nam mà còn vươn rộng ra thị trường miền Bắc và miền Trung.

Về mảng sản xuất kinh doanh nhựa, Hoa Sen tiếp tục củng cố hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty CP Nhựa Hoa Sen, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc phát hành cổ phiếu ra công chúng và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào một thời điểm phù hợp.

Dự kiến, trong khoảng thời gian 2024 – 2026, nếu tình hình kinh tế thuận lợi, hội đồng quản trị sẽ hoàn thiện phương án để trình đại hội đồng cổ đông xem xét, thông qua.

Dự báo về thị trường trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, các DN nhựa cần có sự chuẩn bị về những vấn đề liên quan đến giảm thải carbon cũng như những yêu cầu bắt buộc mà Nhà nước đưa ra.

Nếu những DN nhỏ muốn phát triển để hội nhập với nền kinh tế thế giới hiện nay thì cần nhiều thay đổi. Ngành nhựa cần tuân thủ những nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, phải thu gom, tái chế và có những giải pháp đáp ứng được các yêu cầu quốc tế.

“Các DN mặc dù nhỏ, nhưng nếu có định hướng và lộ trình cụ thể sẽ tiếp tục đi lên phát triển. Ngược lại, nếu một số DN cảm thấy quá nhiều áp lực và không thể tiếp tục được nữa sẽ rất khó để họ đi tiếp trên con đường kinh doanh” - đại diện VPA chia sẻ.