Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành NN&PTNT Hà Nội: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Thủ đô chưa kịp hồi phục lại đứng trước làn sóng tác động thứ hai, đòi hỏi cần tập trung đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tác động của dịch, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

Chăn nuôi lợn dần phục hồi, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thịt lợn của người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: Lâm Nguyễn
Nông nghiệp tăng trưởng 1,6%
Trong nửa đầu năm 2020, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường. Mặc dù vậy, sản xuất nông nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn TP tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Các địa phương đã hoàn thành thu hoạch lúa vụ Xuân, với năng suất đạt trên 60 tạ/ha, cao hơn năng suất trung bình của nhiều năm gần đây.
Công tác tái đàn lợn được tích cực triển khai. So với cùng kỳ năm 2019, tổng đàn lợn toàn TP hiện có 1,26 triệu con, tăng 0,7%. Chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định; sản lượng thịt tăng lần lượt 0,9% và 0,6%. Tổng đàn gia cầm đạt 37,5 triệu con, tăng 4,2%. Đặc biệt, sản lượng thủy sản tăng đến 4,7%, đạt mức 61.800 tấn.
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong nửa đầu năm 2020, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nửa cuối năm 2020, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp sẽ còn nhiều khó khăn. Một trong những yếu tố được nhận định sẽ tác động lớn nhất đến ngành nông nghiệp là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Cụ thể là những tác động đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hoạt động xuất nhập khẩu, nguồn cung ứng nguyên liệu…
Không để lãng phí đất canh tác
Năm 2020, ngành NN&PTNT Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 4%. Tuy nhiên, mục tiêu này đứng trước nhiều thách thức, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Bối cảnh khó khăn được nhìn nhận trước đòi hỏi Sở NN&PTNT và các sở, ngành, địa phương cần chủ động triển khai thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất gắn với phòng chống dịch Covid-19.
Ông Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, ngành NN&PTNT Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tăng đàn lợn, đi đôi với bảo đảm an toàn phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, cũng như các loại dịch bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm. Phối hợp cùng các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch hại và bảo vệ cây trồng; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo, phát hiện và xử lý sớm các bệnh trên cây trồng, không để lây lan thành dịch.
Đối với bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trong vụ Mùa và vụ Đông 2020 là giải pháp hết sức quan trọng. Để thực hiện được điều này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, lựa chọn sử dụng phù hợp cơ cấu cây trồng, trong đó, chú trọng các giống cho năng suất cao, chất lượng tốt. “Cùng với tập trung chăm sóc tốt cho cây trồng trong vụ Mùa, đẩy mạnh sản xuất vụ Đông 2020, các địa phương cần lưu ý phấn đấu không bỏ ruộng và bảo đảm kế hoạch sản xuất hai vụ cuối năm theo đúng kế hoạch đã đề ra” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh.
Cùng với phát triển nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội và các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình TP họp, bỏ phiếu, trình T.Ư công nhận 6 huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Sóc Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc thẩm định, trình UBND TP xem xét, công nhận thêm 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước ngày 30/11/2020.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu