Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành nội vụ nhìn thẳng vào 6 hạn chế cần khắc phục ngay

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị toàn ngành khẩn trương khắc phục ngay 6 hạn chế, tồn tại, trong đó chú trọng thực hiện sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo phân cấp quản lý, bởi để tiến tới Đại hội Đảng các cấp vào năm 2020, năm nay phải là năm sắp xếp bộ máy cơ quan hành chính, cơ cấu bên trong.

Sáng 16/7, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm của ngành nội vụ”. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu dự tại điểm cầu UBND TP Hà Nội.
 Toàn cảnh hội nghị tại Bộ Nội vụ
Biên chế khối cơ quan Chính phủ quản lý đã giảm 6,75%
Tại đây, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết: Ngay từ 1/1/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký quyết định ban hành Chương trình công tác và xác định phương châm hành động cho toàn ngành nội vụ năm 2019 là “Tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh truyền thông và ứng dụng CNTT”. Theo đó, toàn ngành chủ động, tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ, đạt kết quả tích cực trong các lĩnh vực công tác: Xây dựng thể chế, chính sách; tổ chức Nhà nước; tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua, khen thưởng; văn thư, lưu trữ.
Trong đó, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV Kỳ họp thứ 7 xem xét, cho ý kiến với các Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức (CBCC) và Luật Viên chức (VC); đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội và Chính phủ tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Thực hiện cải cách hành chính, toàn ngành cắt giảm, đơn giản hóa nhiều TTHC không còn phù hợp; 40 địa phương đã xây dựng, triển khai mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh; Bộ Nội vụ và 3 bộ khác đã khai trương Bộ phận một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan bộ; 95/95 cơ quan T.Ư và địa phương kết nối trên trục liên thông văn bản quốc gia.
Đặc biệt, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019, ngành đã thẩm tra và quyết định tinh giản được 41.515 biên chế. Tính đến nay, biên chế khối cơ quan Chính phủ quản lý đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015; 54/63 tỉnh, TP đã sáp nhập các trung tâm có chức năng tương đồng để thành lập Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật; 437/713 đơn vị cấp huyện thực hiện hợp nhất bệnh viện huyện và trung tâm y tế. Đồng thời, 36 cơ quan, đơn vị đã thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo Kết luận 202 của Bộ Chính trị. Báo cáo của 61 địa phương cho biết, đến nay có 20/713 huyện, 623/11.162 xã thuộc diện phải sắp xếp theo Nghị quyết 653 của UBTV Quốc hội; theo đó, toàn ngành đang tập trung tham mưu thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo kịp tổ chức đại hội (ĐH) đảng ở cấp huyện, cấp xã trong năm 2020.
 Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thông tin về kết quả công tác toàn ngành nội vụ
Phát huy kết quả và khắc phục các hạn chế đã nhận định, toàn ngành xác định trong nửa cuối năm nay có khối lượng công việc rất lớn, sẽ nỗ lực tập trung triển khai 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thực hiện nghiêm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, khắc phục triệt để tình trạng chậm xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; thực hiện hiệu quả chính sách tinh giản biên chế (TGBC), cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC. Đặc biệt, tập trung tham mưu tổ chức, sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra kịp thời xử lý sai phạm trong thực thi công vụ; tham mưu cho cấp có thẩm quyền thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2020…
Tập trung sắp xếp các cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý
Tại hội nghị, đã có 16 ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các vụ thuộc Bộ Nội vụ tập trung vào 9 nhóm vấn đề. Đánh giá cao các ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Những nội dung về CCVC, tổ chức biên chế, tôn giáo, thi đua khen thưởng được đề cập nhiều nhất cũng chính là những vấn đề trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành rất nhiều văn bản QPPL nhưng chưa được tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Trong đó, “còn ý kiến bức xúc của địa phương, đề xuất Bộ Nội vụ đổi mới phương pháp quản lý nhà nước với ngành nội vụ, tổ chức triển khai các văn bản QPPL chưa kịp thời do chưa có thống nhất giữa cơ quan T.Ư và địa phương; sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chí cũng chưa đạt tiến độ yêu cầu. Về việc này, Bộ Nội vụ nhận khuyết điểm trong tham mưu Chính phủ ban hành sửa đổi hai nghị định 24 và 37, gây ảnh hưởng đến sắp xếp các cơ quan chuyên môn các địa phương trong đó có thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 18 Hội nghị T.Ư 6. Đây cũng là vấn đề mới, Chính phủ rất thận trọng, muốn lắng nghe nhiều ý kiến”, Bộ trưởng khẳng định.
Ghi nhận kết quả tích cực của toàn ngành 6 tháng qua, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh những chuyển động rất lớn trong đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện tuyển dụng, thi nâng ngạch, TGBC, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu bên trong các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) kết hợp với TGBC... Tuy nhiên, tư lệnh ngành cũng chỉ rõ 6 hạn chế, tồn tại lớn mà toàn ngành cần khắc phục ngay.
Thứ nhất, công tác xây dựng thể chế, cụ thể hóa các nghị quyết của T.Ư còn chậm so với yêu cầu; còn xin rút, xin lùi các chương trình xây dựng văn bản QPPL, chất lượng một số dự án chưa cao. Thứ hai, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu bên trong các ĐVSNCL tại nhiều bộ, ngành, địa phương, thực hiện TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBVC trong ĐVSNCL còn chậm, nhất là thực hiện giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL. Thứ ba, trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm còn trường hợp thực hiện không đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; chậm khắc phục và xử lý. Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, chưa tập trung vào các bức xúc của các bộ, ngành, địa phương (thực hiện nhiệm vụ được giao, vi phạm trong công tác cán bộ, TGBC…) Thứ năm, còn CCVC chưa gương mẫu, có biểu hiện sách nhiễu, phiền hà cho công dân, DN; tham nhũng vặt chưa bị phát hiện, xử lý triệt để. Thứ sáu, CCHC còn nhiều bất cập, ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành chưa đạt yêu cầu. “Trong những hạn chế này, có nguyên nhân do trách nhiệm của toàn ngành nói chung và vai trò tham mưu của Bộ Nội vụ, các vụ trực thuộc nói riêng”, Bộ trưởng khẳng định.
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu
Đề nghị khẩn trương khắc phục ngay những hạn chế đó, Bộ trưởng nhấn mạnh từ nay đến cuối năm, lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan tham mưu lĩnh vực nội vụ rà soát các nhiệm vụ được giao năm nay để quyết tâm hoàn thành. Trước hết, chú trọng thực hiện sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo phân cấp quản lý, bởi để tiến tới ĐH đảng các cấp vào năm 2020, năm nay phải là năm sắp xếp bộ máy cơ quan hành chính, cơ cấu bên trong. Cần đẩy mạnh TGBC gắn với cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC; xây dựng kế hoạch TGBC và giao biên chế năm 2020, trong đó các bộ, ngành, địa phương sớm báo cáo về nhu cầu biên chế để Bộ tổng hợp, trình Chính phủ và sẽ giao biên chế vào tháng 8/2019. Đồng thời, lãnh đạo bộ đề nghị toàn ngành đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý sai phạm; hoàn thành kế hoạch thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng có báo cáo gửi Bộ Nội vụ để cuối năm sơ kết; xây dựng phương án, đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, cấp huyện (hạn chót là 31/8/2019). Toàn ngành cũng cần chỉ đạo triển khai Đề án văn hóa công vụ; đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng CBCCVC để chuẩn bị tốt nhân sự cho ĐH các cấp theo tinh thần “không chấp nhận trường hợp đề bạt, bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn, điều kiện”.