Ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng, bảo đảm “mục tiêu kép” trong bối cảnh dịch Covid-19

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 9 tháng năm 2021, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức. Dù vậy, toàn ngành vẫn duy trì tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc… gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản.
Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước, tạo sự đồng thuận của cả xã hội để thực hiện “mục tiêu kép”.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng qua của Việt Nam đạt khoảng 35,5 tỷ USD.
Thông tin từ Bộ NN&PTNT công bố sáng 5/10 cho biết, với nỗ lực của toàn ngành, 9 tháng qua, nông nghiệp vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của kinh tế - xã hội cả nước. Giá trị gia tăng (VA) của ngành trong quý III/2021 tăng 1,04% so với quý III/2020. Lũy kế 9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng VA toàn ngành nông nghiệp đạt 2,74%.
Riêng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng qua ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thuỷ sản, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, xuất siêu 9 tháng qua dù đạt trên 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so với tháng 9/2020.
Tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng (2,74%). Dù vậy, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản nói riêng và các hoạt động kinh tế xã hội của cả nước vừa qua đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tập trung cao độ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách. 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để phấn đấu đạt mức tăng trưởng toàn ngành năm 2021 từ 2,5 - 2,8%, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động theo 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ tiên quyết là tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, TP. 
Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic... không để ứ đọng hàng hóa tại vùng sản xuất, nhà máy, trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và những thị trường xuất khẩu trọng điểm. 
Bộ NN&PTNT cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản…
Để duy trì sản xuất - tiêu thụ nông lâm thuỷ sản, việc tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho kinh tế, sản xuất, đời sống người dân cũng là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với ngành nông nghiệp. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổng cục, cục vụ viện theo dõi chặt chẽ và kiểm soát tình hình thiên tai. Đồng thời, có phương án tích nước, vận hành công trình phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất...
Trên cơ sở dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh của ngành năm 2021, dự báo về tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2022 đạt từ 2,8 - 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 45,5 tỷ USD.