Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành nông nghiệp Hà Nội: Bước chuyển mạnh sau dồn điền đổi thửa

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, Hà Nội mới chỉ có khoảng 1.000 DN tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, chủ yếu là DN nhỏ và vừa.

Bài cuối: Khơi dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp
Làm thế nào để thu hút được những “sếu đầu đàn” về “làm tổ” tại nông thôn là bài toán đang được T.Ư và Hà Nội tích cực tìm lời giải.

Ba rào cản lớn

Đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới trồng rau hữu cơ, nhưng đang triển khai thì Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn)… hết vốn. Giám đốc Công ty Hoàng Văn Hiền cho biết, đơn vị đã đề nghị một số ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, các đơn vị đều yêu cầu phải có sổ đỏ để thế chấp. Điều kiện này vượt quá khả năng đáp ứng của DN và hệ lụy là đến nay, hệ thống nhà màng, nhà lưới được đầu tư tiền tỷ hiện đang nằm “đắp chiếu”.
Kỹ sư kiểm tra quy trình sản xuất nấm công nghệ cao tại Công ty CP đầu tư và sản xuất thương mại KMS, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng
Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn với ví dụ điển hình của Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp & PTNT Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, để hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư cho một dự án, DN phải trải qua khoảng… 40 thủ tục hành chính! Điều này dễ làm “nản lòng” các nhà đầu tư vào lĩnh vực vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro này.

Không chỉ vấn đề vốn và thủ tục hành chính, đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chỉ ra, giá thuê ruộng đất cao khiến tích tụ ruộng đất trở thành rào cản lớn đối với mục tiêu thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều DN sẽ chọn đầu tư vào các tỉnh lân cận - nơi có giá thuê ruộng đất thấp hơn, thay vì Hà Nội.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 19/2017/TT-BNNPTNT về Quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là cơ sở để Hà Nội triển khai quy hoạch những vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã xây dựng đề án thí điểm tích tụ đất đai. Hiện, đề án đang được UBND TP xem xét. Khi được phê duyệt, đề án sẽ giúp cụ thể hóa những bước đi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao sau dồn điền đổi thửa, tạo động lực thu hút các DN đầu tư.

Đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), các DN hiện vẫn rất thiếu nguồn vốn. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế cho vay trung và dài hạn, bởi nếu nguồn vốn vay ngắn hạn, sẽ rất khó để DN triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các quy định cho vay cũng cần cởi mở và thông thoáng hơn. Hai yếu tố này còn quan trọng hơn so với ưu đãi về lãi suất cho vay.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng, các địa phương, trong đó có Hà Nội cần tập trung chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ công tiếp tục phối hợp và hỗ trợ DN tiếp cận khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, kiểm soát chất lượng nông sản.

Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, đối với việc hỗ trợ, không nên phân biệt DN, các thành phần kinh tế khác nhau. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên đối với các DN dám đầu tư tại vùng sâu, vùng xa nhằm thúc đẩy sự phát triển tại những cộng đồng còn nhiều khó khăn.

"Việc hoàn thiện thể chế chính sách đóng vai trò cốt lõi. Quan điểm của Bộ NN&PTNT là tạo cơ chế, chính sách phù hợp để DN có môi trường đầu tư thuận lợi, hạn chế tối đa hỗ trợ, đầu tư trực tiếp của Nhà nước cho các DN." - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường


"Để thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, T.Ư cũng như TP Hà Nội cần kiện toàn chính sách nhằm giảm cơ chế “xin - cho”. Trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc thay đổi căn bản các chính sách về thuế, đất đai, thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh là hết sức quan trọng." - PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc