Nâng cao giá trị nông sảnTrong giai đoạn 2016 - 2020, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, đơn vị đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, ở nhiều nơi đã hình thành nhiều chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân trong các ngành hàng nông, lâm, thủy sản... Đến nay, cả nước đã xây dựng và phát triển 1.642 chuỗi liên kết nông sản, thực phẩm với 2.346 sản phẩm và 2.991 địa điểm bán sản phẩm. Trong các chuỗi nêu trên có sự tham gia của hơn 100 hợp tác xã, 250 DN và một số tập đoàn, công ty lớn.
Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội Phạm Thanh Hùng cho biết, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm với kinh phí hơn 110 tỷ đồng tại huyện Phúc Thọ và ký hợp đồng liên kết theo chuỗi với nông dân một số huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì… Mỗi năm, DN này cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh lân cận khoảng 100 triệu quả trứng gia cầm bảo đảm chất lượng.
Một mô hình thành công khác là chuỗi giá trị lúa gạo bền vững - hợp tác giữa Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn Phoenix (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE). Theo Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn, mục tiêu của chuỗi liên kết này là mang lại lợi ích cho hơn 10.000 hộ nông dân sản xuất lúa Việt Nam và góp phần mở rộng diện tích canh tác lúa gạo bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ, qua đó gia nhập nhanh hơn vào mạng lưới thương mại gạo quốc tế.
Phát huy hiệu quả, nhân rộng mô hìnhSản xuất theo chuỗi giá trị không chỉ nâng cao sản phẩm, thu nhập cho người nông dân mà còn thúc đẩy nông sản Việt Nam vươn ra thế giới. Do đó, giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Đưa ra giải pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng cho rằng, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn; xây dựng, đề xuất đầu tư chuỗi giá trị khép kín, đồng bộ từ vùng nguyên liệu đến nhà máy sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, các cơ quan quản lý phải là cầu nối để DN lớn liên kết với DN vừa và nhỏ của địa phương, tổ chức nông dân triển khai các chuỗi giá trị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin: Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện quan hệ sản xuất, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tham mưu với Chính phủ có những chủ trương, chính sách cụ thể khuyến khích liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nông dân với các DN... Về phía các tỉnh, TP cần có chính sách hỗ trợ cho các chuỗi giới thiệu sản phẩm, kinh phí phân tích mẫu thực phẩm phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng hàng kém chất lượng lưu thông trong chuỗi.