Ngành Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội: Bảo tồn và phát huy giá trị đô thị

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội với nhiều khu đô thị mới khang trang xuất hiện, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, kết nối các khu vực đã tạo nên diện mạo thay đổi mạnh mẽ, ngày càng văn minh, hiện đại. Đóng góp vào sự phát triển chung đó có một phần không nhỏ của ngành quy hoạch Thủ đô, những người được mệnh danh là “giữ hồn và gây dựng giá trị của đô thị”.

Một góc phía Tây Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Đem lại diện mạo mới
Có thể nói, Hà Nội là một TP đang có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Hà Nội đã xây dựng, phát triển không gian đô thị và có thành công bước đầu. Các khu đô thị mới hiện đại, văn minh như: The Manor, Mỹ Đình, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, RoyalCity, TimesCity, Mỗ Lao, An Khánh,… đã tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển. Sự hiện diện của các khu đô thị mới này không chỉ góp phần tích cực giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nên những không gian sống tốt hơn nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân. Bà Phạm Thị Lựu, nhà G3, khu đô thị Ciputra chia sẻ, trong những năm gần đây, Hà Nội có nhiều thay đổi, ngày càng phát triển, khang trang, người dân chúng tôi có cơ hội được hưởng những tiện ích hiện đại, văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hà Nội đã thực hiện 57/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên. Triển khai lập và hoàn thành phê duyệt 26/35 đồ án quy hoạch phân khu đô thị trung tâm, 4/5 đồ án quy hoạch đô thị vệ tinh, 11/11 đồ án quy hoạch chung xây dựng thị trấn, 5/5 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật. Những đồ án quy hoạch đã giúp hoàn thiện công cụ quản lý từ TP đến các địa phương, kiểm soát đầu tư và kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Cùng với những dự án quy mô, khu đô thị mới, một trong những đột phá làm thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô là phát triển hạ tầng giao thông, nhằm tăng khả năng kết nối. Đó là các công trình giao thông trọng điểm như: đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục); Vành đai 2 - tuyến đường chạy qua các điểm như Vĩnh Tuy - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm, tạo thành một vòng tròn vành đai khép kín; và hàng trăm hầm chui bộ hành cầu vượt... Hạ tầng kết nối thuận lợi góp phần khiến những vùng đất ven đô chuyển mình với hàng trăm dự án khu đô thị mới, khu nhà ở đã, đang được triển khai. Đặc biệt, để xứng tầm của một đô thị hiện đại, Hà Nội đang tập trung xây dựng thành phố thông minh nền tảng là cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu cốt lõi, chính quyền điện tử; các hệ thống thông minh trong lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, môi trường. Cụ thể, tháng 10/2019 vừa qua, Hà Nội đã khởi công xây dựng thành phố thông minh tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, đánh dấu đậm nét trong quy hoạch, phát triển đô thị Thủ đô.
Những thành tựu trên có thể khẳng định là kết quả của việc hiện thực hóa hàng loạt đồ án quy hoạch. Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng, quá trình đô thị hóa không chỉ là mở rộng phát triển các khu vực phát triển mới của đô thị theo quy hoạch mà còn thúc đẩy quá trình tái thiết đô thị, cải tạo chỉnh trang khu vực nội đô. “Hà Nội đang tích cực tái cơ cấu không gian kinh tế - xã hội, tổ chức sắp xếp lại các phân khu chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị... theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Xu hướng tái thiết và phát triển đô thị tại Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới” - ông Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh.
Quyết tâm vượt thách thức
Các chuyên gia quy hoạch, xây dựng nhận xét, sự thay đổi lớn nhất của Thủ đô trong khoảng 10 năm trở lại đây chính là thay đổi về không gian kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu, chính quyền TP Hà Nội luôn đặt yêu cầu phát triển đô thị cao hơn theo hướng đô thị bền vững để trở thành TP đáng sống với các giá trị và tiêu chí: Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại như mục tiêu của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng đã phê duyệt năm 2011. Chính vì vậy, nhiệm vụ, thách thức đối với những người làm công tác quy hoạch của Thủ đô trong thời gian tới là không hề nhỏ.
Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh chia sẻ, do nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là nguồn lực tài chính dẫn đến việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch thời gian qua còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông (các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường sắt đô thị...), thói quen giao thông, việc đấu nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực xung quanh dẫn đến ùn tắc, quá tải, thiếu thống nhất gây bức xúc trong dư luận. Khối lượng các đồ án quy hoạch rất lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn và yêu cầu cao về chất lượng là một thách thức; nhiều dự án trên địa bàn phải được rà soát, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch, dự án khác mất nhiều thời gian và khó khăn cho công tác lập, thẩm định. Việc xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan chưa nhận được sự quan tâm đồng thuận, thống nhất, mất thời gian hoàn chỉnh như Quy hoạch phân khu đô thị Ga Hà Nội, Quy chuẩn 4 quận... hoặc phải chờ các quy hoạch liên quan để khớp nối, thống nhất như Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống.
Đặc biệt, các quy định hiện hành còn có những chồng chéo, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chưa được các cấp thẩm quyền kịp thời tháo gỡ (ví dụ Luật Quy hoạch đô thị với Luật Nhà ở; Luật Thủ đô với Luật Cư trú; các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu...). Sự đồng thuận của cộng đồng đối với một số quy hoạch chưa cao... Lãnh đạo Sở QH - KT đánh giá, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ còn chậm, đặc biệt là các đồ án quy hoạch phân khu nội đô, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, quy chuẩn 4 quận. Số lượng, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết còn thấp, các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc các quận, thị trấn còn chưa được phê duyệt. “Trên cơ sở nghiêm túc nhìn nhận các tồn tại, hạn chế, Sở QH - KT xác định các giải pháp cần tập trung thực hiện trên nguyên tắc: Một đầu mối - một việc xuyên suốt; rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả nhằm khắc phục các tồn tại” - Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết.
Trong năm 2020, Sở QH - KT sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, sớm triển khai hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung còn lại. Trong quá trình hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu sẽ rà soát, cập nhật, cụ thể hóa các nội dung có liên quan quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe công cộng, khu vui chơi công cộng, công viên trên địa bàn TP; thực hiện thiết kế đô thị và cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường theo hướng hiện đại, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, Sở sớm triển khai lập quy hoạch, phối hợp với Sở Xây dựng đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành, các chương trình, kế hoạch, đề án về giao thông đô thị, quy hoạch cấp, thoát nước. Đáng chú ý, Sở cũng sẽ thực hiện công khai, minh bạch công tác quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia giám sát, quản lý quy hoạch; việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phải chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; quy hoạch phải đảm bảo chất lượng dự báo, có tính khả thi, bền vững trong tương lai; hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ trong thời gian ngắn…
Để Hà Nội phát triển, vươn cao, vươn xa, một lượng lớn công việc đang thuộc về công tác quy hoạch. Do đó, sự nỗ lực, quyết tâm trước những khăn để hoàn thành nhiệm vụ của những người làm quy hoạch Thủ đô, những người được mệnh danh là “giữ hồn và gây dựng giá trị của đô thị” đang được chính quyền và người dân kỳ vọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần