Ngành sữa Việt Nam tiếp tục lộ trình phát triển bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 4 năm sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định 3399/QĐ-BCT về định hướng chiến lược phát triển cho ngành sữa Việt Nam, ngành đã có những bước phát triển vượt bậc, đưa Việt Nam từ một quốc gia nhập khẩu trở thành một trong số ít các nước tại khu vực châu Á có xuất khẩu sữa.

Để tiếp tục thực hiện lộ trình phát triển bền vững ngành sữa, các đại biểu tham gia Hội thảo "Ngành sữa Việt Nam không ngừng phát triển và đa dạng hóa sản phẩm sữa vì sức khỏe cộng đồng" được tổ chức hôm 9/9 cho rằng, cần tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại kết hợp với phát triển nguồn nguyên liệu. 

Đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại

Được tổ chức bởi Hiệp hội Sữa Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam nên các đại biểu tham gia đều là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành, các tham luận được đầu tư kỹ đã nêu bật được thực trạng, đưa ra những giải pháp khả thi để phát triển ngành sữa. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, thời gian qua, ngành Sữa Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về công nghệ chế biến cũng như công nghệ chăn nuôi bò sữa cung cấp nguồn nguyên liệu.
Dây chuyền sản xuất sữa hiện đại của Vinamilk.
Dây chuyền sản xuất sữa hiện đại của Vinamilk.
Một ví dụ điển hình chứng minh cho nhận định này là ngành sữa trong nước đã có thêm nhiều nhà máy chế biến sữa hiện đại ra đời, có thể cạnh tranh với ngành sữa thế giới, như hai nhà máy chế biến sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), xây dựng trên diện tích 20ha, với tổng số vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà máy sữa bột trẻ em của Vinamilk có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, với công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bột/năm, được xem là nhà máy chế biến sữa bột lớn nhất khu vực châu Á. Công ty Sữa Mộc Châu cũng lắp thêm dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, theo thống kê của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2014, riêng mặt hàng sữa bột có sản lượng tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2013, đảm bảo cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều đáng nói là, Việt Nam hiện đang là một trong số ít các quốc gia tại châu Á có xuất khẩu sữa. Tính riêng năm 2013, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm từ sữa trị giá hơn 230 triệu USD, trong đó Vinamilk đóng góp con số ấn tượng là hơn 210 triệu USD và được công nhận là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2013. Đây là một minh chứng cho thấy, sản phẩm sữa trong nước không chỉ đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng Việt Nam mà còn đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của những thị trường sữa toàn cầu. 

Chủ động nguồn nguyên liệu

Thông tin từ Hội thảo cho thấy, nhiều công ty sữa của Việt Nam đã coi trọng đúng mức việc phát triển nguồn nguyên liệu. Công ty Frieslandcampina Việt Nam tập trung đầu tư phát triển vào vùng chăn nuôi. Công ty CP Sữa quốc tế IDP hỗ trợ vốn cho bà con nông dân phát triển thêm đàn bò. Một trong những công ty đi đầu trong việc chủ động phát triển nguồn nhiên liệu là Vinamilk, thông qua các hình thức như hỗ trợ các hộ gia đình phát triển chăn nuôi bò sữa; xây dựng các trang trại bò sữa quy mô công nghiệp và hiện đại với hàng ngàn con. Các trang trại này có hệ thống thiết bị chuồng trại hiện đại. Một số trang trại bò sữa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế Global G.A.P là các trang trại tại Nghệ An, Lâm Đồng, Tuyên Quang, thuộc Công ty Vinamilk.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng làm rõ và khẳng định, phát triển gắn kết giữa ngành chế biến sữa và ngành chăn nuôi bò sữa là mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như các nước đang phát triển ngành sữa. Đó là mô hình mà ngành chế biến sữa phát triển đi trước, tạo tiền đề cho ngành chăn nuôi bò sữa phát triển, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu. 

Tại Hội thảo, các đại biểu bày tỏ sự tin tưởng rằng, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại và chủ động phát triển nguồn nguyên liệu sẽ giúp ngành sữa Việt Nam xây dựng được một thương hiệu quốc gia mạnh để cạnh tranh hiệu quả trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế.