Thị trường hồi phục
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép trong năm 2021 sẽ tăng từ 3 – 5% so với năm 2020 dựa vào kỳ vọng kinh tế vĩ mô phục hồi, nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI do Việt nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, chi phí thuê nhân công rẻ hơn nhiều nước trong khu vực. Doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam dẫn tới nhu cầu xây dựng nhà xưởng tại các khu công nghiệp sẽ tăng lên kéo theo nhu cầu về tiêu thụ thép cũng sẽ tăng; Cùng với đó là một số hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA... được thực thi, mang đến kỳ vọng cho ngành thép có thêm thị trường xuất khẩu mới. Trong đó, các nước thành viên CPTPP lần lượt chiếm 25,7% và 22,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
“Việc một số thị trường lớn như Mỹ, Canada... tăng cường các biện pháp phòng hộ thương mại, một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ lại liên tục mở rộng thị phần xuất khẩu, thì việc mở rộng thị trường ra châu Âu thông qua Hiệp định thương mại EVFTA sẽ giúp cho doanh nghiệp thép của Việt Nam tìm kiếm, mở rộng thêm thị phần xuất khẩu trong năm 2021 và những năm tiếp theo” – Phó Chủ tịch VSA Trịnh Khôi Nguyên nhìn nhận.
Ở khí cạnh khác, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, thị trường BĐS cuối năm 2020 đã có sự phục hồi tốt, điều này tác động tích cực đến sự tăng trưởng trở lại của ngành VLXD nói chung và lĩnh vực sản xuất thép nói riêng. “Sự phục hồi của lĩnh vực BĐS có vai trò rất lớn đến sự phục hồi ngành VLXD. Chúng tôi tin tưởng, với những tín hiệu tích cực từ thị trường BĐS, bước năm 2021 ngành VLXD sẽ tăng trưởng, phát triển trở lại” – ông Lê Hoàng Châu nói.
Động lực từ đầu tư công
Theo thống kê, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 khoảng 477.300 tỷ đồng, tăng 1,4% so với kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020. Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho biết, năm 2021, nhiều luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành, như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai... được kỳ vọng sẽ mở ra những “nút thắt” trong hoạt động đầu tư xây dựng nói chung và cho lĩnh vực BĐS nói riêng. Vì vậy, sẽ có thêm nhiều dự án mới được triển khai. Cùng với đó, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng và sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, nhu cầu xây dựng nhà xưởng, kho bãi... sẽ làm tăng tỷ trọng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm VLXD. “Khi kinh tế suy thoái, đầu tư công là kênh đầu tư rất tốt, mức độ lan toả nhanh hơn. Giải ngân công nhanh đóng góp chung cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước tương đương 0,2%. Việc Chính phủ đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công lớn không chỉ giúp hoàn thiện hạ tầng thúc đẩy lĩnh vực BĐS phát triển, mà còn tạo điều kiện tốt cho ngành VLXD tăng trưởng trong thời gian tới” – TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch VSA Trịnh Khôi Nguyên cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các chỉ số tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra. Vì vậy sang năm 2021, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đều phải rất nỗ lực để bù lấp thiếu hụt của năm 2020. Việc Chính phủ đề xuất tăng nguồn vốn đầu tư công là phù hợp với điều kiện hiện nay, đây sẽ trở thành nguồn vốn phái sinh quan trọng cho thị trường VLXD. "Dự báo, năm 2021 dự báo ngành xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng thông qua kế hoạch đầu tư công để phục hồi nền kinh tế. Thị trường BĐS cũng được dự báo có tín hiệu tích cực. Nhưng doanh nghiệp ngành thép cần phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Nhà nước cần có hoạch định, chiến lược phát triển ngành thép theo chiều sâu, hạn chế cho phép mở thêm những nhà máy sản xuất mới, hướng các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ" - Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa nhìn nhận.