Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành thép cung thừa nhưng giá tăng

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019 được đánh giá sẽ tiếp tục là một năm có nhiều biến động của ngành thép, tổng năng lực sản xuất của ngành thép chưa vận hành hết công suất, nhưng nguồn cung vẫn đang vượt qua nguồn cầu. Trong khi đó, giá thép đầu năm 2019 lại được các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá.

Cung vượt quá cầu
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Văn Sưa, năm 2018 là năm “bội thu” của ngành thép Việt Nam, tăng khoảng 15% so với năm 2017. Vì vậy, bước vào năm 2019 dự báo năng lực sản xuất của ngành vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng cao (khoảng 10%), nhưng thực tế thị trường đang chứng kiến tình trạng sản xuất cung vượt cầu.
Năm 2018, tổng sản lượng sản xuất thép từ các doanh nghiệp thành viên của VSA đạt hơn 24 triệu tấn, tăng 14,9% so với năm 2017; tiêu thụ đạt gần 22 triệu tấn, tăng 20,9%; xuất khẩu thép thành phẩm đạt xuất khẩu sắt thép tăng 33% về lượng so với năm ngoái, đạt 6,25 triệu tấn, trị giá 4,55 tỉ USD. Như vậy, sản lượng thép tồn kho còn tương đối lớn, với chỉ tiêu tăng trưởng 10%, báo hiệu năm 2019 tiếp tục là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
Báo cáo từ Bộ Công Thương, tính chung 3 tháng đầu năm 2019, sản lượng sản xuất sắt thép thô, thép cán tăng lần lượt là 64,8% và 6,1% so với cùng kỳ năm trước; riêng thép thanh, thép góc giảm 0,5%. Về xuất khẩu, tính chung 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 744 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, ngành thép năm 2019 dự kiến sẽ tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, động lực là dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 sẽ đi vào vận hành 2 lò cao hết công suất, đạt công suất 7,5 triệu tấn/năm. Năm 2018, dự án này mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn.
Một dự án khác là Thép Hòa Phát Dung Quất cũng có kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2019. Theo đó, lò cao số 1 sẽ đi vào sản xuất trong tháng 6/2019, lò cao số 2 từ tháng 9/2019 và lò cao số 3 từ tháng 12/2019. Dự tính, nếu huy động hết công suất sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép. Do đó, dự kiến mức tăng sản lượng thép các loại năm 2019 khoảng 10% so với năm 2018.
 Đầu năm 2019 các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đồng loạt tăng giá bán theo x
Nghịch lý: Cung thừa - giá tăng
Tình trạng cung vượt cầu sẽ mở rộng sang hầu hết cơ cấu các sản phẩm lĩnh vực sản xuất thép bao gồm phôi thép, thép xây dựng, thép cán nguộn, tôn mạ và tiếp tục giá tăng cạnh tranh về giá tới đây sẽ là yếu tố chính trên thị trường.
Theo nhận định của các chuyên gia, ngành thép trong năm 2019, sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức do xu hướng bảo hộ trên thế giới vẫn gia tăng, nhu cầu thép trong nước chưa cho thấy dấu hiệu tích cực. Mặc dù có sự tăng trưởng khá tốt nhưng trên thực tế, ngành thép không những phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, mà còn phải đối mặt với xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu đã khiến cho xuất khẩu thép của Việt Nam luôn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.
Không chỉ gần đây mới xuất hiện nhiều vụ việc đối với mặt hàng thép mà từ nhiều năm nay, thép luôn là mặt hàng được các nước trên thế giới điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất, nhất là sau khi Mỹ đưa ra áp thuế 25% đối với mặt hàng thép (theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại 1962) đã khơi mào cho cuộc bùng nổ điều tra toàn cầu. Sau Mỹ, Canada, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh Á - Âu cũng điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ đối với toàn bộ ngành thép. Hơn nữa, giá điện tăng 8,36% kể từ ngày 20/3/2019 sẽ tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, trong khi giá đầu ra bị hạn chế do nguồn cung dư thừa.
Báo cáo triển vọng ngành thép năm 2019 mới được công bố, trong năm 2019, khả năng giá thép giảm sâu xuống dưới 12 triệu đồng/tấn là khá thấp do thuế tự vệ bổ sung vẫn còn kéo dài tới hết tháng 3/2020, thép phế liệu vẫn duy trì ở mức khá cao (350 USD/tấn). Trong khi đó, quý I/2019 các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đồng loạt tăng giá bán, với mức điều chỉnh từ 100 - 200 nghìn đồng/tấn.