Ngành thép khó chồng khó

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trong tháng 4/2023, ngành thép đã phải chứng kiến những cơn sóng giảm giá, do nhu cầu chưa được cải thiện, giá điện tăng...

Ngành thép gặp nhiều khó khăn trong tháng qua khi sức mua kém, giá sụt giảm. Ảnh: Phạm Hùng
Ngành thép gặp nhiều khó khăn trong tháng qua khi sức mua kém, giá sụt giảm. Ảnh: Phạm Hùng

Đây là những áp lực mới đè nặng lên các DN trong ngành.

Nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt

Ngay khi vừa kết thúc quý I/2023, những tuần đầu tháng 4 ghi nhận giá thép giảm 3 lần liên tiếp từ ngày 8/4 đến nay, hiện 2 sản phẩm thép cuộn và thanh vằn dao động ở mức 15 - 16 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, lần điều chỉnh giảm thứ 3 rơi vào ngày 20/4, thương hiệu thép Hòa Phát, dòng thép cuộn CB240 hiện ở mức 15 triệu đồng/tấn - giảm 200.000 đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15,45 triệu đồng/tấn - giảm 130.000 đồng/tấn.

Đáng chú ý, trong lần điều chỉnh này, thương hiệu Thép Pomina đồng loạt giảm sâu 2 sản phẩm của hãng, với dòng thép cuộn CB240 giảm 1,120 triệu đồng/tấn xuống mức 15,81 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 1,020 triệu đồng/tấn, hiện có giá 15,86 triệu đồng/tấn.

Với mức giảm này, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, giá quặng sắt, nguyên liệu chiếm khoảng 36% trong chi phí sản xuất thép đã hạ nhiệt trong thời gian qua, góp phần làm giá thép suy yếu.

 

Dự kiến tháng 10/2023, tất cả các quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm "cơ chế điều chỉnh biên giới carbon" (CBAM) và đến 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ.

Nguyên nhân cốt lõi là do tiêu thụ tại Trung Quốc, quốc gia chiếm khoảng 70% tổng cầu quặng sắt trên thế giới tương đối yếu so với kỳ vọng, bất chấp việc mở cửa trở lại. Điều này làm giảm bớt sự cạnh tranh đối với nguồn cung, khiến giá sắt liên tục giảm kể từ giữa tháng 3.

Ngoài ra, giá một số nguyên liệu đầu vào khác cũng hạ nhiệt đáng kể. Giá than luyện cốc tại Trung Quốc tính đến giữa tháng 4 đã giảm 50% so với mức đỉnh thiết lập hồi quý I/2022 và giảm 36% so với hồi đầu năm. Giá phôi thép cũng đã quay đầu giảm sau đợt phục hồi trong quý I, hiện đang thấp hơn khoảng 60 – 70 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước.

Cụ thể, giá quặng sắt loại chuẩn 62% Fe mịn nhập khẩu vào miền Bắc Trung Quốc ở mức 106,32 USD/tấn. Trong khi đó, hợp đồng tháng 9 của nguyên liệu sản xuất thép được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đã kết thúc giao dịch trong ngày thấp hơn 0,4% xuống 716,5 Nhân dân tệ (103,52 USD)/tấn.

Với mức giảm này đã giúp kết quả sản xuất, kinh doanh của nhiều DN phần nào trở nên tích cực hơn. Đơn cử, với "ông lớn" ngành thép Hòa Phát, đại diện DN này cho biết, quý I/2023 đã đạt doanh thu 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 383 tỷ đồng (5% so với kế hoạch năm).

Trong bối cảnh sức cầu chưa được cải thiện, kết quả này cho thấy bức tranh sản xuất, kinh doanh của Hòa Phát đã sáng sủa hơn so với 2 quý cuối năm 2022. Việc quản trị hàng tồn kho, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường đã phát huy hiệu quả.

Những áp lực mới

Giá thép hạ nhiệt theo giá nguyên liệu sản xuất, nhưng giá một số vật liệu xây dựng khác vẫn còn neo ở mức cao. Điển hình nhất là giá cát xây dựng tại nhiều địa phương liên tục tăng mạnh trong giai đoạn gần đây do tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Số liệu của Vụ Vật liệu Xây dựng cho biết, công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm. Tuy nhiên, nhu cầu cát xây dựng cả nước đạt khoảng 130 triệu m3/năm, nên nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được từ 40 - 50% nhu cầu.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ nhiều địa phương khiến giá cát hiện đã có nơi tăng lên hơn 350.000 đồng/m3, cao hơn nhiều so với mức trung bình 230.000 – 250.000 đồng/m3 thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Trái với thị trường cát xây dựng, giá xi măng hiện đang không quá biến động, nhưng ngành xi măng tiếp tục chật vật cân đối cung - cầu, để tránh cảnh hàng tồn kho gia tăng. Mặc dù bối cảnh các thị trường khác nhau, tuy nhiên điểm thách thức chung của toàn ngành vật liệu xây dựng đang phải đối mặt đó là bài toán đi tìm nguồn lực tiêu thụ.

"Khó chồng khó" khi vừa qua Chính phủ yêu cầu hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phù hợp với khung giá mới dựa theo quy định của pháp luật. Với giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; tối đa là 2.444,09 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), như vậy khung giá mới tăng từ 220 - 538 đồng/kWh.

Theo chuyên gia vật liệu xây dựng, Thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho biết, với giá thép tăng không chỉ ngành thép mà các DN sản xuất vật liệu xây dựng đều sẽ phải điều chỉnh lại phương án sản xuất, kinh doanh, nhằm giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; hoặc có thể xem xét tăng giá để bù đắp chi phí.

Ngành thép cần phải thay đổi, không chỉ vì giá điện mà còn để tránh tác động mạnh từ CBAM do Liên minh châu Âu (EU) thực hiện, khi đó sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại.
Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng này vượt quá tiêu chuẩn sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) Đinh Quốc Thái, tác động của CBAM sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành thép Việt khi thị trường này đứng thứ 2 về xuất khẩu (chiếm 18,37% kim ngạch) chỉ sau ASEAN. Riêng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 8,4 triệu tấn, thì EU chiếm 16%, tương đương với 1,3 triệu tấn.

Đồng thời, đại diện lãnh đạo VSA cũng cho biết, xu hướng trung hòa carbon trong ngành thép sẽ tiếp cận theo từng giai đoạn. Từ 2021 - 2025 sẽ tối ưu hóa quy trình, năng lượng, nguyên liệu thô, cải tiến công nghệ nhằm giảm từ 10 - 20% khí CO2.

Giai đoạn 2025 - 2030 sẽ giảm 30 - 40% lượng phát thải với nhà máy thép linh hoạt hybrid, sử dụng nguyên liệu carbon thấp... Cuối cùng, từ 2030 - 2050 sẽ sản xuất thép xanh (hoạt động trên năng lượng xanh, điện tái tạo...).