Ngành tòa án chống tham nhũng chưa triệt để?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/2, trước khi bế mạc Phiên họp thứ 45, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Việc xét xử các vụ án tham nhũng được Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nhận xét là một điểm nhấn của nhiệm kỳ qua và đó cũng là nội dung được các ý kiến tại UBTV Quốc hội quan tâm.

Thống kê cho thấy, các tòa án đã xét xử tổng cộng hơn 1.200 vụ án với hơn 2.800 bị cáo phạm các tội về tham nhũng. Trong đó có nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng như vụ án PMU18; vụ án Hà Nguyên Cát tại Công ty cao su Phú Riềng, Bình Phước; vụ án Phạm Thanh Bình tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin)... "Toà án các cấp đã tăng cường và xét xử nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng" - Chánh án Trương Hòa Bình nhận xét.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp. 	Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết, việc giải quyết các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ đã có nhiều tiến bộ, thời gian giải quyết nhanh hơn, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật…

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước, vẫn có những vụ án lẽ ra phải đưa vào tội tham nhũng nhưng lại được đưa sang tội khác để xét xử. “5 năm qua xét xử nhiều vụ án tham nhũng ban đầu thấy ghê gớm nhưng sau thấy "đơn giản thôi". Tòa xử lý nghiêm minh, nguyên tắc là phải đúng luật, không thể ngoài luật được. Sản phẩm của Tòa tổng hợp từ điều tra, truy tố, chứ không riêng Tòa. Nhưng chúng tôi nghe phong thanh thấy có nhiều cái chưa được yên tâm về các mối quan hệ. Người ta cảm thấy cuộc đấu tranh trong phạm vi của Tòa chưa được triệt để” - ông Phước nêu ý kiến và đề nghị cần làm rõ công tác xét xử của Tòa góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng như thế nào? Bởi đây là vấn đề người dân đang kêu nhiều. Cùng với đó, báo cáo cần nói về án hành chính, nói nôm na là “xử quan” ra quyết định hành chính mà xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức để tạo ra niềm tin về công lý của Tòa án trong nhiệm kỳ qua. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị báo cáo của ngành Tòa án cần nhấn mạnh hơn về các vụ án lớn liên quan đến tham nhũng với những đánh giá cụ thể.

Một vấn đề khác cũng đưa ra là vấn đề oan sai trong xét xử. Chánh án Trương Hòa Bình thẳng thắn thừa nhận, trong nhiệm kỳ qua, công tác xét xử các vụ án hình sự còn có 3 trường hợp kết án oan người không có tội. Công tác quản lý, điều hành hoạt động ở một số đơn vị chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, khoa học; vẫn còn xảy ra các trường hợp cán bộ, công chức Tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ và thậm chí vi phạm pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, trong nhiệm kỳ qua đã có 205 cán bộ, công chức Tòa án Nhân dân bị xử lý kỷ luật, trong đó có 33 trường hợp đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa được giải quyết còn tồn đọng nhiều. Đó là những vấn đề cần làm rõ.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các báo cáo không nên tập trung liệt kê, kể lể những công việc của ngành; cần có những đánh giá, tăng thêm nhận định hoạt động của ngành có ý nghĩa và mang lại hiệu quả gì, rút ra bài học kinh nghiệm trong hoạt động của ngành để có phương hướng khắc phục trong nhiệm kỳ tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần