Theo EVN, lưới điện miền Bắc, miền Trung đều là lưới 3 pha 4 dây nên việc cung cấp điện cho nuôi tôm khá thuận lợi. Riêng tại miền Nam, nhiều khu vực là lưới điện 1 pha, các hộ dân nuôi tôm tự phát nên khó khăn hơn trong việc cung cấp điện cho khách hàng dẫn đến tình trạng lưới điện bị quá tải, chất lượng điện áp không đảm bảo.
Để tháo gỡ vấn đề này, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), vốn ứng trước của các địa phương gần 900 tỷ đồng để thực hiện đầu tư các công trình lưới điện trung hạ áp đáp ứng cơ bản các vùng nuôi tôm phát triển nóng. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng kịp thời các hộ nuôi nhỏ lẻ, không tập trung, phát triển tự phát theo thị trường nguyên liệu tôm. Tính đến hết 31/12/2016, EVN cung cấp điện trực tiếp cho 48.315 khách hàng nuôi tôm với sản lượng điện là hơn 953 triệu kWh, chiếm 46% điện thương phẩm nông lâm thủy sản. Cũng theo EVN, qua khảo sát sơ bộ, nhu cầu đầu tư để cải tạo và phát triển lưới điện trung hạ thế phục vụ nuôi trồng thủy sản tại 6 tỉnh (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang) ven biển trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 là khoảng hơn 5.000 tỷ đồng. Vì thế, EVN đề nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế ưu đãi huy động sử dụng vốn riêng cho phát triển ngành tôm, bao gồm cả đầu tư kết cấu hạ tầng lưới điện 3 pha cung cấp cho phát triển ngành tôm đồng bộ với các vùng nuôi trồng, chế biến theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt.Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), diện tích nuôi tôm cả nước hiện vào khoảng 700.000ha, trong đó có 130.000 - 135.000ha nuôi tôm công nghiệp. Chi phí về điện hiện đang chiếm tới 11 - 14% giá thành tôm (khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg).
Tổng cục Thủy sản kiến nghị EVN phối hợp cùng Tổng cục, các địa phương rà soát, bổ sung nguồn điện cho các vùng nuôi tôm trọng điểm ngay trong năm 2017. Để phục vụ chiến lược phát triển ngành tôm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Tổng cục Thủy sản cần sớm hoàn thiện thiết kế hạ tầng cho ngành nuôi tôm, trong đó có giải pháp về hạ tầng điện. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tổng cục Thủy sản phối hợp với EVN và các địa phương nuôi tôm trọng điểm thống nhất quy hoạch vùng thửa nuôi tôm quy mô công nghiệp. Tại buổi làm việc, Bộ NN&PTNT và EVN cũng bàn thảo về công tác điều tiết nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Theo EVN, hàng năm để đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ làm đất gieo cấy vụ Đông Xuân cho khoảng 620.748ha lúa và hoa màu, EVN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng 3 đợt với tổng lượng xả từ 3 - 5 tỷ mét khối nước. Tuy nhiên, do thời gian xả nước vụ Đông Xuân khá dài và tốn nhiều nước, EVN đề nghị Bộ NN&PTNT ủng hộ Tập đoàn có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép vận hành linh hoạt.Theo thống kê, vụ Đông Xuân 2016 – 2017, do phối hợp tốt giữa EVN và Tổng cục Thủy lợi đã rút ngắn được 4,5 ngày xả nước từ các hồ chứa thủy lợi so với kế hoạch. Ước tính, cứ mỗi ngày rút ngắn sẽ tiết kiệm được 300.000m3 và nếu mỗi mét khối nước có giá 330 đồng thì mỗi ngày tiết kiệm được khoảng 100 tỷ đồng.