Nổi bật trong xây dựng chính quyền điện tử
Sáng 10/1, Sở TT&TT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, đại diện Bộ TT&TT cùng lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện tham dự.
Theo báo cáo của Sở TT&TT Hà Nội, trong năm 2022, cơ quan này đã tích cực tham mưu cho TP Hà Nội về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và xây dựng TP thông minh.
Nổi bật là việc tham mưu Ban cán sự đảng UBND TP trình Thường trực Thành ủy Nghị quyết của Thành ủy về Chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa vai trò và trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy. Huy động nguồn lực của toàn bộ hệ thống chính trị TP, nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh, thực hiện yêu cầu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT cũng tích cực phối hợp với Văn phòng UBND TP, Công an TP, đơn vị triển khai thử nghiệm hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoàn thành kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến thử nghiệm với CSDL quốc gia về Dân cư theo hướng dẫn, phục vụ xác thực thông tin công dân trong thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC. Phối hợp các đơn vị của Bộ Công an đánh giá an toàn toàn thông tin hệ thống trước khi kết nối CSDL dân cư.
Đối với lĩnh vực bưu chính - viễn thông, Sở TT&TT đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông đảm bảo hạ tầng hoạt động của Tổng đài điện thoại 1022 TP Hà Nội phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP. Cùng Sở Y tế và các doanh nghiệp viễn thông triển khai vận hành hệ thống tin nhắn SMS brandname của phần mềm quản lý F0 tại nhà.
Công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, truyền thông trên địa bàn TP trong năm 2022 đã được nâng cao. Đặc biệt, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của TP, trọng tâm là công tác triển khai các nghị quyết của Đảng; 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII; các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19; tuyên truyền quảng bá hình ảnh Hà Nội - Việt Nam nhân sự kiện Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và các sự kiện đối ngoại của Thủ đô và đất nước.
Sở TT&TT cũng là đơn vị chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai giai đoạn II của “Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025”, từng bước ổn định hoạt động và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ quan báo chí TP sau sắp xếp.
Đối với công tác xử lý tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng, Hà Nội hiện là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sự quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng này. Trong năm 2022, Sở TT&TT đã rà soát, thẩm định, gỡ bỏ 220 video clip trên YouTube, 109 đường link bài viết trên Facebook có dấu hiệu vi phạm pháp luật gửi Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đề nghị Công ty Google, Meta gỡ bỏ.
Trong năm 2022, các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn TP cũng có nhiều bước tiến ấn tượng. Với gần 8.000 doanh nghiệp, doanh thu của mảng này đạt hơn 300 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 9,35% tổng doanh thu CNTT cả nước), thu hút được khoảng hơn 160.000 lao động. Các doanh nghiệp CNTT hoạt động trên địa bàn TP đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ CNTT, công nghệ số, đa dạng, tiên tiến về công nghệ, hỗ trợ phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của TP.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Sở TT&TT Hà Nội đã tiến hành ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023-2025 với các đơn vị thuộc Bộ TT&TT (Cục Chuyển đổi số; Cục Viễn thông; Cục Bưu điện TW; Cục Xuất bản, In và Phát hành; Trung tâm Tần số khu vực 1, Trung tâm Internet) và Hội Tin học - Viễn thông Hà Nội.
Vai trò chính trong chuyển đổi số Hà Nội
Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Sở TT&TT sẽ tập trung vào việc tham mưu UBND TP báo cáo Ban Cán sự Đảng TP xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Thành ủy về Chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình đã đề ra. Ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng TP Hà Nội năm 2023 và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc TP tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, CNTT làm nền tảng cho phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số TP Hà Nội, bao gồm: Triển khai các Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số TP Hà Nội đến năm 2025; Kế hoạch phát triển Công nghiệp CNTT đến năm 2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNTT, công nghệ số; hạ tầng cho công nghiệp CNTT; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá về công nghiệp CNTT, công nghệ số.
Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025; kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn TP.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát thanh truyền hình và thông tin điện tử. Tiếp tục tuyên truyền, lan toả thông tin về các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của TP trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Thẩm định, kịp thời ngăn chặn, bóc, gỡ những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến cộng đồng trên không gian mạng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải đánh giá cao nỗ lực của Sở TT&TT Hà Nội nói riêng và ngành TT&TT Thủ đô nói chung trong việc chủ động triển khai nhiệm vụ, từ đó đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Trong đó nổi bật là việc tích cực xây dựng dự thảo, tham mưu Ban cán sự Đảng UBND TP trình Ban Thường vụ Thành ủy Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh. Cùng với đó là chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan có liên quan để triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời, công tác quản lý Nhà nước về thông tin và báo chí trên địa bàn TP cũng được tiếp tục đẩy mạnh. Sở đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc phối hợp các cơ quan báo chí tổ chức tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của TP, các hoạt động thông tin đối ngoại của TP. Kiểm soát tốt thông tin trên mạng, tích cực xử lý các thông tin xấu, độc tác động tiêu cực tới cộng đồng.
Về nhiệm vụ trong năm 2023, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải yêu cầu, Sở TT&TT Hà Nội cần xác định lấy chuyển đổi số là trọng tâm. Hà Nội đã xác định chuyển đổi số, không học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để phát triển, do đó Sở TT&TT cần xác định vai trò đi đầu của mình trong lĩnh vực này, từ đó có những tham mưu chính xác, tạo đột phá cho TP.
Hiện hạ tầng được xác định là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số nhưng với Hà Nội, đây chưa thực sự là khâu đột phá quan trọng. Mặc dù chủ trương của TP có rồi nhưng hạ tầng số của TP vẫn chưa tạo ra đột phá để tạo ra tài nguyên số. Hà Nội đã xác định tài nguyên số là nguồn tài nguyên quan trọng trong tương lai. Do đó, Sở TT&TT phải có tham mưu, đề xuất cho TP nhằm cụ thể hóa việc hoàn thiện và phát huy hiệu quả của hạ tầng số trong thời gian tới.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP, trong năm 2023, Sở TT&TT cần tập trung vào xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn đảm bảo ba tiêu chí đủ-sạch-sống. Trang bị hệ thống CNTT cho TP theo hướng hiện đại, đồng bộ, đẩy mạnh thuê ngoài cũng như phối hợp với mạng lưới chuyên gia nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT cần giữ vai trò chủ trì trong việc xây dựng lại mạng lưới phối hợp với các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn TP. Việc tích cực đồng hành với các cơ quan báo chí chính là cách tốt nhất cũng như hiệu quả nhất để tuyên truyền các chủ trương, chính sách cũng như quảng bá hình ảnh Thủ đô tới người dân trên cả nước.
"Ngoài ra, Sở TT&TT cũng cần tích cực đóng góp vào việc xây dựng thể chế, chính sách cho ngành TT&TT Thủ đô. Bên cạnh thể chế chung của toàn quốc, thể chế của Hà Nội phải đột phá, phải đi trước. Việc đưa các chính sách này vào luật Thủ đô là cơ hội cực kỳ quan trọng, tạo đột phá cho ngành TT&TT, do đó Sở TT&TT cần tập trung vào nội dung này", Phó Chủ tịch Hà Minh Hải đưa ra yêu cầu.