Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, vị thế, vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành tư pháp nói chung và của các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự ở cấp tỉnh, nhất là ở Thủ đô Hà Nội và các TP trực thuộc Trung ương ngày càng được nâng cao. Về cơ bản, khối lượng công việc, mức độ khó khăn, phức tạp của công tác tư pháp, công tác thi hành án dân dự ở các thành phố trực thuộc Trung ương có sự khác biệt gia tăng hơn so với ở các tỉnh.
Việc triển khai công tác tư pháp ở Hà Nội và các thành phố luôn bám sát thực hiện Chương trình công tác năm của Bộ Tư pháp và thành phố; được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện, đúng trọng tâm, gắn kết chặt chẽ với thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội tin tưởng các đơn vị trong Khu vực thi đua tiếp tục có sự gắn kết, đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi, hỗ trợ nhau nhiều hơn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ về thi đua, khen thưởng, chuyên môn để cùng phát triển. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp và các cơ quan Trung ương nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình chung và đặc thù; có tiêu chí phù hợp để xây dựng, giao nhiệm vụ, đánh giá các đơn vị trong khu vực.
Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn đã báo cáo kết quả thực hiện phong trào thi đua đối với các Sở Tư pháp. Theo đó, trong năm 2022, phong trào thi đua của các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự của Khu vực thi đua các thành phố trực thuộc Trung ương đã được tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, kịp thời. Các đơn vị trong Khu vực đẩy mạnh các phong trào thi đua; gắn việc thực hiện công tác thi đua với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm, tạo bước chuyển biến mới.
Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua khen thưởng và các nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị luôn bám sát thực hiện Chương trình, kế hoạch công tác năm của Bộ Tư pháp và cấp ủy, chính quyền các thành phố; gắn thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH, nhiệm vụ chính trị của các thành phố.
Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả: Các đơn vị đã thực hiện đồng bộ các nội dung về cải cách hành chính; hàng năm, công tác cải cách thể chế luôn được Trung ương đánh giá, chấm điểm chỉ số đạt tốp đầu cả nước. Công tác xây dựng, thẩm định, hệ thống hóa và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật của các thành phố đảm bảo hợp pháp và phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành KT-XH của cấp ủy, chính quyền các thành phố.
Cùng với đó, Sở Tư pháp Hà Nội đã tham mưu thành phố và Bộ Tư pháp hoàn thành việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô và nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); lập hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) được thực hiện bài bản, đồng bộ, đạt chất lượng, đúng tiến độ…
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm, chú trọng, đổi mới theo hướng đẩy mạnh ứng dụng CNTT; công tác cải cách tư pháp, việc hỗ trợ các cơ quan tư pháp, quản lý Nhà nước lĩnh vực bổ trợ tư pháp luôn được quan tâm thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực bổ trợ tư pháp được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm. Tổ chức thực hiện Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ, đồng bộ với việc triển khai thực hiện chứng thực điện tử và số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch có hiệu quả. Trong đó, Sở Tư pháp Hà Nội là đơn vị được làm điểm…
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội Phạm Văn Dũng thông tin, các đơn vị thi hành án dân sự Khu vực đã ra quyết định đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định về dân sự, hành chính đã có hiệu lực theo đúng quy định pháp luật; cơ bản tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng nhằm thu hồi tài sản nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và đánh giá cao về những nỗ lực, thành tích mà Khu vực thi đua các thành phố trực thuộc Trung ương đã đạt được trong năm 2022. Đồng thời đề nghị Trưởng, Phó trưởng Khu vực thi đua và Thủ trưởng các đơn vị trong Khu vực cần quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua của Khu vực và đơn vị mình và tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, những điểm mới của Luật thi đua, khen thưởng vừa được Quốc hội thông qua. Nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị, các đoàn thể quần chúng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua, coi đây là động lực, là đòn bẩy, thúc đẩy các tập thể, cá nhân ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2023.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tổ chức các phong trào thi đua, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng; việc thực hiện phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị. Chú trọng phát hiện, lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình từ các phong trào thi đua, bồi dưỡng các nhân tố mới, điển hình mới, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua trên từng lĩnh vực công tác tư pháp để làm nòng cốt.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến các cách làm hay, mô hình mới, các gương điển hình của các đơn vị trong Khu vực thi đua trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương và trên trang thông tin về thi đua khen thưởng của ngành, đây cũng là một hình thức tôn vinh, động viên các tập thể, cá nhân điển hình…