Ngành vật liệu xây dựng: Kỳ vọng những bứt phá

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu sản lượng lớn vật liệu xây dựng (VLXD), song vẫn còn hạn chế về công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hứa hẹn sẽ mở ra hướng phát triển mới cho ngành này.

Sản xuất vẫn nhỏ lẻ

Từ chỗ phải nhập khẩu VLXD từ nước ngoài, những năm gần đây, Việt Nam còn xuất khẩu được một số loại VLXD cơ bản như xi măng, sắt thép, gạch ốp lát... Số liệu từ Hội VLXD Việt Nam, riêng năm 2017, tổng giá trị doanh thu sản xuất VLXD đạt khoảng gần 400.000 tỷ đồng (gần 17 tỷ USD), chiếm 7,5% GDP. Trong đó lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 31%, gạch ốp lát 20%, vật liệu xây dựng 11%, đá cát sỏi xây dựng 15%, sứ vệ sinh 5%, kính xây dựng khoảng 4%. Quy mô giá trị ngành công nghiệp VLXD đã tăng gấp 3 lần so với năm 2008 và gấp 50 lần so với đầu năm 2000.
 Sản xuất gạch men tại Công ty CP Prime Croup.  Ảnh:  Việt Linh
Tuy nhiên, theo TS Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội VLXD Việt Nam, dù đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhưng ngành sản xuất VLXD vẫn còn tồn tại hạn chế, bất cập. Vấn đề lớn nhất là công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất còn yếu kém, vẫn sử dụng các loại nhiên liệu năng lượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Tính đến hết năm 2017, trong lĩnh vực xi măng, số lượng dây chuyền quy mô nhỏ, trình độ tự động hóa chiếm đến 33%; lĩnh vực vật liệu xây không nung có 43% số dây chuyền sản xuất gạch bê tông, chiếm 17% tổng công suất thiết kế có quy mô nhỏ công nghệ lạc hậu. Hầu hết các dây chuyền sản xuất bê tông khí chưng áp, bê tông bọt cũng đều có quy mô nhỏ, công nghệ chưa tiên tiến.

"Nhà nước cần sớm cụ thể hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với VLXD mới, thiết bị sản xuất mới. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất sử dụng VLXD mới, vật liệu xanh; đồng thời hỗ trợ các DN đầu tư, đổi mới công nghệ để có thể tiếp cận với các tiêu chí phát triển của cách mạng 4.0." - Thạc sĩ Lương Văn Hùng – Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng

“Công tác bảo vệ môi trường yếu kém là do nhiều cơ sở sản xuất công nghệ lạc hậu, đặc biệt là những cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, như lò gạch thủ công, khai thác chế biến đá, khai thác cát, sản xuất tấm lợp... Việc đầu tư thiết bị để bảo vệ môi trường chưa đạt yêu cầu” - TS Thái Duy Sâm nói.

Gắn với xây dựng đô thị thông minh

Thạc sĩ Lương Văn Hùng – Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo điều kiện cho các DN sản xuất VLXD có cơ hội bứt phá bằng việc ứng dụng công nghệ vào để nghiên cứu và sản xuất ra các loại VLXD mới, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế ngành VLXD Việt Nam chưa có những sản phẩm mới mang tính đột phá và bắt kịp với xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu các DN không tận dụng được cơ hội này thì sẽ bị bỏ lại phía sau so với các DN quốc tế.

Vấn đề quan trọng nhất đối với ngành sản xuất VLXD là việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ. Theo đó, ứng dụng công nghệ số sẽ giảm chi phí đồng bộ các khâu từ giao dịch, vận chuyển để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh mô hình quản lý. Từ đó có thể hướng các nghiên cứu khoa học vào tìm kiếm VLXD thông minh gắn với xây dựng đô thị thông minh, kiến trúc đô thị. Để làm được việc này, theo thạc sĩ Lương Văn Hùng, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề tiên quyết để ngành sản xuất VLXD có thể đáp ứng với yêu cầu phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 theo chuẩn khu vực và quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần