Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành xây dựng đóng góp gì đưa Việt Nam trở thành con hổ kinh tế ở khu vực châu Á?

Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thành quả kinh tế giúp chúng ta tự tin hơn trong tái cơ cấu, tăng trưởng tạo nền móng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế dài hạn; cần nỗ lực để phấn đấu đưa VN trở thành con hổ kinh tế của châu Á” – đó là phát biểu của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế VN 2018 vừa qua tại Hà Nội.

Nhưng làm thế nào để đưa nền kinh tế VN lớn mạnh như mong muốn của Thủ tướng? Ngành xây dựng có thể đóng góp gì cho mục tiêu tăng trưởng, đưa VN trở thành con hổ kinh tế trong khu vực? Tâm huyểt và suy nghĩ, trăn trở với mong muốn và quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, tại” Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch 2018 ngành Xây dựng” diễn ra ngày 16/1 vừa qua, với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phóng viên báo Kinh tế& Đô thị có cuộc trao đổi ngắn với ông ông Lê Viết Hải- Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng VN; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình:

- PV: Xin ông cho biết những lợi thế của ngành Xây dựng khi hội nhập với kinh tế thế giới như thế nào?

Ông Lê Viết Hải:
Có thể kể đến bốn lợi thế chủ yếu sau đây của ngành xây dựng Việt Nam trong cạnh tranh quốc tế: Nhờ những nỗ lực của Chính phủ và của những doanh nghiệp dẫn đầu trong thời kỳ đổi mới, ngành Xây dựng Việt Nam sau một giai đoạn dài chìm lắng đã bùng nổ và qua đó đã có cơ hội cọ xát, học hỏi những doanh nghiệp hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, một cơ hội rất hiếm hoi không đến với nhiều quốc gia khác.
Những năm gần đây, ngành Xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về trình độ quản lý lẫn công nghệ kỹ thuật thi công và đã thành công trong việc thay thế nhà thầu ngoại trong vai trò tổng thầu ở nhiều dự án lớn có yêu cầu kỹ - mỹ thuật cao tại thị trường trong nước. Nhờ vậy, những Công ty dẫn đầu đã nhanh chóng trưởng thành và nay đã sẵn sàng cho việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp ra thị trường nước ngoài, một thị trường có quy mô lên đến hàng chục ngàn tỷ USD, gấp vài trăm lần thị trường trong nước; từ đó, ngành xây dựng có khả năng tăng trưởng vượt bậc, đem về cho quốc gia một nguồn thu ngoại tệ đáng kể.

Với sự tích cực học hỏi những tiến bộ mới nhất trong chuyên môn xây dựng kết hợp với nỗ lực sáng tạo và ứng dụng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nói chung và Tập đòan Xây dựng Hòa Bình nói riêng đã có khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng tổng hợp với chất lượng cao, đặc biệt trong việc xây dựng những công trình nhà ở cao tầng. Tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam còn ở yếu tố nhân công, vật liệu xây dựng, dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và nhiều dịch vụ liên quan khác.

Một lợi thế quan trọng khác nữa là số lượng kỹ sư và chuyên gia ngành Xây dựng Việt Nam cao gấp 3 lần mức bình quân thế giới bởi xây dựng là một ngành không được giới trẻ ở các nước phát triển ưa chuộng (Việt Nam bình quân có 9.000 kỹ sư, chuyên gia xây dựng/1 triệu dân).
 
- PV Hòa Bình đã đi ra thị trường nước ngoài như thế nào?

Ông Lê Viết Hải: Hoà bình đã luôn nỗ lực thực hiện và kêu gọi sự đồng hành của các đối tác và cả đối thủ cạnh tranh. Năm 2011, Hòa Bình đã bắt đầu tham gia nhiều dự án tại Malaysia trong vai trò nhà thầu quản lý xây dựng bao gồm dự án chung cư cao cấp Le Yuan Residence, với 670 căn hộ; dự án cao ốc thương mại và văn phòng Desa Commercial khoảng 100.000m2 xây dựng, dự án căn hộ cao cấp văn phòng South Bank với qui mô 3 tầng hầm, 40 tầng cao, 3 bloks, 1.200 căn hộ và đặc biệt, dự án Desa Green có quy mô lên đến 2.010 căn hộ gồm 3 blcoks, 7 tầng hầm, 42 tầng cao với diện tích xây dựng 235.000 m2. Năm 2012, Hòa Bình đã tham gia xây dựng dự án GEMS tại Myanmar cũng trong vai trò nhà thầu quản lý xây dựng. Khi ấy GEMS là một trong số rất ít dự án cao tầng ở Yangon, Myanmar. Tại đây, Hòa Bình đã thành công trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc cho các nhà thầu phụ địa phương, rút ngắn tiến độ thi công bình quân từ 19 ngày/sàn xuống còn 6 ngày/sàn với diện tích mỗi sàn là 2.000m2. Hiện nay, trong nước Hòa Bình có khả năng tổ chức thi công 3 ngày/sàn.

Sau những bước đi thăm dò thành công, Hòa Bình quyết liệt chuẩn bị nguồn lực cho việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng đến một thị trường đang phát triển nóng đó là Kuwait với gói thầu kết cấu bê tông cốt thép của dự án Criminal Evidence Headquarters trị giá khoảng 35 triệu USD. Đồng hành với Hoà Bình là Sona, Searefico, Lilama, Đây là thành công bước đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu chiến lược Hợp chuẩn quốc tế - Định vị thương hiệu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong giai đoạn mới, một minh chứng cho khả năng xuất khẩu dịch vụ xây dựng của Việt Nam ra nước ngoài; Đặc biệt, Hòa Bình còn nhận được rất nhiều sự hợp tác đồng hành chiến lược xuất ngoại của các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam như: Công ty Sona thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Công ty Tamax, Công ty Vinacom… và nhiều công ty xuất khẩu lao động khác cũng mong muốn được làm việc cho Hòa Bình tại nước ngoài, chẳng hạn: Công ty PTSC-POS ngành bảo dương và xây lắp dầu khí, Vneco xây lắp điện VN, Lilama 18 xây lắp Việt Nam, Searefico Công ty MEP, Indochine Tư vấn MEP, Công ty Cienco4 Công ty hạ tầng số 1 Viet Nam, Công ty PVD Tech…

- PV: Những lý do để Xuất khẩu dịch vụ Xây dựng là gì, thưa ông?

Ông Lê Viết Hải: Có 4 lý do sau đây:

Việc cọ xát với thị trường nước ngoài là phương cách rất hữu hiệu nhằm nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh của ngành Xây dựng Việt Nam, đảm bảo luôn theo kịp trình độ thế giới và đây cũng là cách tốt nhất để về lâu dài chúng ta bảo vệ được thị trường nội địa.

Phát triển xuất khẩu năng lực ngành xây dựng Việt Nam ra thị trường nước ngoài còn bảo đảm cung cấp việc làm ổn định hơn cho lực lượng lao động trong ngành Xây dựng hiện chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn nhân lực của quốc gia khi có sự biến động của thị trường trong nước.

Khi Việt Nam đã trở thành một quốc gia phát triển, nguồn nhân lực trong ngành Xây dựng rất dồi dào này nếu chỉ phục vụ cho thị trường trong nước sẽ khó tránh khỏi rơi vào tình trạng dư thừa. Thị trường xây dựng nước ngoài với qui mô cực lớn sẽ là phương án tối ưu giải quyết vấn đề này.

Sự phát triển của ngành xây dựng ra thị trường quốc tế sẽ giúp cho nhiều ngành có liên quan khác trong chuỗi cung ứng cùng phát triển ổn định và bền vững. Trong đó chuỗi cung ứng theo hàng ngang bao gồm: tài chính, ngân hàng, vận chuyển, bảo hiểm…; chuỗi cung ứng theo hàng dọc như: dịch vụ tư vấn thiết kế, quản lý dự án, sản xuất vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị thi công, sản xuất trang thiết bị nội thất, cơ khí xây dựng, dịch vụ thầu phụ chuyên ngành…

- PV Ông có đề xuất gì cho năm 2018?

Ông Lê Viết Hải: Nhân Hội nghị Tổng kết ngành Xây dựng năm nay, tôi xin nêu lên 3 đề xuất chủ yếu như sau:

Chúng tôi tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Lao động & TBXH, Bộ Thông tin Truyền thông ... trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình soạn thảo kế hoạch và chương trình hành động cụ thể nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến lược nói trên; tạo những điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển lớn mạnh, tìm những phương thức giải quyết mọi thủ tục nhanh chóng, thuận lợi nhất khi doanh nghiệp xây dựng đầu tư ra nước ngoài, giản lược tối đa các thủ tục thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài, thủ tục chuyển ngân, thủ tục xuất cảnh, xuất khẩu vật liệu, trang thiết bi thi công...

Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành xây dựng đổi mới công nghệ, kỹ thuật và phương thức quản lý; khuyến khích phát triển theo hướng chuyên môn hoá thật sâu trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, tránh sự dàn trải ngay trong ngành của mình. Đặc biệt, chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, biết chia sẻ, biết tích hợp tinh hoa và đầy tinh thần sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo theo kịp sự tiến bộ của thế giới, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần tạo điều kiện cho các ngành trong chuỗi cung ứng nói trên phát triển đồng bộ và kêu gọi sự đoàn kết, hợp tác vì một sứ mệnh và hoài bão chung,hoài bão của cả dân tộc ta được ngẩng cao đầu cùng sánh vai với bè bạn khắp năm chău, tạo nên một sức cạnh tranh mạnh mẽ của ngành xây dựng Việt Nam trên trường quốc tế.

- Xin cảm ơn ông!