Ngành xuất bản liên tục gặp sóng gió

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian ngắn, ngành xuất bản liên tiếp có những vụ việc vi phạm bắt nguồn từ những bất cập tại Nhà xuất bản (NXB) Thông tấn và vi phạm tại Hội chợ sách “Viet Nam book fair tour 2020” ở Huế. Qua đó cho thấy, ngành xuất bản đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong công tác hoạt động.

 Độc giả tham khảo sách tại một hội chợ. Ảnh: Lại Tấn

Nhà xuất bản... không tự xuất bản
Đầu tháng 6, Cục Xuất bản, In và phát hành (Bộ TT&TT) có kết luận thanh tra tại NXB Thông tấn. Theo đó, đoàn thanh tra xác định công tác điều hành của Giám đốc NXB chưa thật phù hợp với quy định của pháp luật về xuất bản. Cụ thể, trong tổng số 44 xuất bản phẩm được kiểm tra, Giám đốc NXB Thông tấn đã giao cho Phó Tổng biên tập Phùng Thị Mỹ trực tiếp chịu trách nhiệm nội dung 4/44 xuất bản nhưng không thực hiện đúng quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Biên tập tại Khoản 2 Điều 18 Luật Xuất bản. Mặc dù NXB Thông tấn được cơ quan chủ quản bảo đảm đầy đủ điều kiện hoạt động, bảo đảm lương cho lãnh đạo, biên tập viên, nhân viên và có điều kiện rất thuận lợi trong bối cảnh nhiều nhà xuất bản khác phải tự chủ, nhưng tỷ lệ xuất bản phẩm tự xuất bản của NXB Thông tấn rất thấp, chiếm tỷ lệ 0,89% năm 2019. Nếu tính số xuất bản phẩm lần đầu thì chỉ có 1/449 xuất bản phẩm, chiếm tỷ lệ 0,22%.
Chúng tôi thiết nghĩ Nhà nước cần tăng cường hơn nữa vai trò đối với hoạt động xuất bản, nhất là đề ra định hướng phát triển với mục tiêu cụ thể cho ngành trên cơ sở nghiên cứu thực tế xuất bản ở Việt Nam cũng như tham khảo các mô hình xuất bản hiệu quả trên thế giới.
Đại diện NXB TP Tổng hợp Hồ Chí Minh
“NXB chưa chủ động khai thác, đầu tư kinh phí mua bản quyền để xuất bản các tác phẩm, tài liệu có giá trị cao trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Hoạt động xuất bản của NXB Thông tấn phụ thuộc nhiều vào việc đặt hàng của cơ quan chủ quản, việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước và phụ thuộc chủ yếu vào đối tác liên kết”- kết luận nêu rõ. NXB Thông tấn cũng ký hợp đồng liên kết in 6 xuất bản phẩm với cơ sở in không có giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 195/2013/NĐ-CP; Quảng cáo thực phẩm trên xuất bản phẩm… vi phạm Luật Quảng cáo.
Cũng trong tháng 6, ngay sau khai mạc Hội chợ sách “Viet Nam book fair tour 2020” tại Huế, nhiều độc giả phản ánh về tình trạng xuất hiện hàng loạt đầu sách in lậu gắn logo của một nhà xuất bản ở TP Hồ Chí Minh được bày bán tại Hội chợ sách này. Sở VH&TT, Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành kiểm tra và phát hiện 175 cuốn sách nằm ngoài danh mục được Sở TT&TT cấp phép bày bán tại Hội chợ sách “Viet Nam book fair tour 2020”. Trước những vi phạm trên, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Huy Hiển cho biết: “Chúng tôi quyết định dừng hoạt động này”.
Liên tiếp những sự việc tai tiếng kể trên đã cho thấy, ngành xuất bản đang có nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, vận hành và tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Xuất bản hiện nay sau 7 năm ban hành đã bộc lội nhiều hạn chế cần bổ sung.
Lỗ hổng từ Luật
Tại Hội thảo, đánh giá 7 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012” NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, một số quy định mới chỉ nằm trên văn bản luật mà chưa được triển khai trong thực tế. Cụ thể như những điều khoản quy định chính sách Nhà nước đối với hoạt động xuất bản. Ví dụ như quy định tại điểm a Khoản 1, Điều 6 Luật Xuất bản 2012: Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển hoạt động xuất bản; và Khoản 1, Điều 7: Nhà nước có chiến lược, quy hoạch, phát triển mạng lưới NXB. Nhưng thực tế, hầu như hiện nay các NXB đều phải tự xoay sở về nguồn vốn, nguồn nhân lực cũng như chiến lược phát triển cho đơn vị mình.
Mặt khác, theo Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh tại điều 36 Luật Xuất bản năm 2012 về phát hành xuất bản phẩm quy định “Có điểm kinh doanh xuất bản phẩm”, quy định này không có tác dụng gì. Bởi, những năm gần đây, hoạt động xuất bản phẩm thông qua môi trường internet đang có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ, DN có ngành nghề kinh doanh xuất bản phẩm thuê gian hàng trên các trang web để kinh doanh mà không cần phải thuê địa điểm. Bên cạnh đó, Công ty Fahasha kiến nghị cần làm rõ khái niệm “xuất bản điện tử” và “xuất bản phẩm điện tử” để không gây khó khăn trong việc cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh, như việc các tổ chức, cá nhân muốn đưa xuất bản phẩm lên trang thông tin điện tử, mạng xã hội thì nên quản lý, cấp phép như thế nào. Đây chính là lỗ hổng trong luật cần được bổ sung quy định vào luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần