Ngập vì xây dựng phá vỡ quy hoạch

Lâm Nguyễn thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa khi nào Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Phú Quốc (tỉnhKiên Giang) bị ngập úng nặng nề như những ngày vừa qua. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT xung quanh câu chuyện bất thường trên.

 GS.TS Vũ Trọng Hồng
Một hòn đảo tứ bề là nước, một TP nằm giữa núi rừng nhưng lại bị ngập sâu. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

- Nguyên nhân gây ngập ở Phú Quốc không phải vì nước biển dâng, trong khi ở Đà Lạt thì mưa cũng không thể gây ngập sâu như vậy. Nguyên nhân chính ở đây là vấn đề quy hoạch và thoát nước. Quy hoạch của Đà Lạt đã có từ thời Pháp. Sở dĩ Đà Lạt bị ngập là bởi việc phát triển ồ ạt các hạng mục công trình xây dựng, đặc biệt là hệ thống nhà màng, nhà kính tại các khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, tốc độ phát triển của Phú Quốc hiện nay quá “nóng”. Điều đáng nói, quy hoạch của Phú Quốc lại “chưa được trải nghiệm” để kiểm chứng về hiệu quả phát triển. Lỗi quy hoạch đã khiến đường thoát nước tại các đô thị ở Phú Quốc và vùng sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt bị nghẽn, không bảo đảm lượng nước thoát ra và gây nên tình trạng ngập.

Địa hình – địa mạo – địa chất liệu có ảnh hưởng đến tình trạng ngập úng tại Đà Lạt và Phú Quốc không, thưa ông?

- Thực tế cho thấy, đa phần những nơi ngập nước có địa hình trũng thấp với mật độ xây dựng rất dày. Điều này đúng với Đà Lạt. Nhưng không chỉ có vậy, biến đổi khí hậu cũng khiến lượng mưa tại Đà Lạt thời gian gần đây lớn và tập trung hơn, gây nên tình trạng ngập úng nặng tại nơi đây. Trong khi đó tại Phú Quốc, cùng với việc chưa có quy hoạch thí điểm, nơi đây cũng cần có một “kỹ sư trưởng”. Hiện, cũng chưa có thông tin chính thức nhưng cá nhân tôi cho rằng, Phú Quốc có thể còn ngập do ảnh hưởng của triều cường.

Một “điểm chết” ở các đô thị nói chung, Đà Lạt và Phú Quốc nói riêng là phát triển mạnh ở nơi có địa hình thấp, vốn là nơi để thoát nước. Việc phát triển đô thị ồ ạt, tràn lan, lấn cả nơi thoát nước sẽ gây nên tình trạng ngập lụt cho khu vực đó và dần dần ngập tới các khu vực cao hơn.

Theo ông, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới nhằm giúp hai địa danh du lịch Đà lạt, Phú Quốc tránh bị ngập lụt là gì?

- Phú Quốc đã phát triển một cách quá “nóng” khi chưa có quy hoạch được thí điểm triển khai, đánh giá. Chính vì vậy, chính quyền nơi đây cần xem xét lại quy hoạch, xác định rõ đường thoát nước chính là ở đâu, mật độ dân cư như thế nào để quyết định việc cấp phép xây dựng.

Câu chuyện ngập đường phố ở quận 2 (TP Hồ Chí Minh) là minh chứng, khi khu vực này từng ngập rất nặng khiến chính quyền buộc phải giãn bớt mật độ dân cư tại đây. Tôi cho rằng, Phú Quốc cần một kỹ sư trưởng, nắm rõ quy hoạch để phát triển. Đối với Đà Lạt, cần quy hoạch lại sản xuất, có kế hoạch sử dụng đất hợp lý hơn tại các khu vực sườn đồi và thung lũng. Trong đó nên chú trọng phát triển đô thị thuận tự nhiên, tại những khu vực cao và dành không gian thoát nước tại những vị trí thấp hơn.

Đối với câu chuyện phát triển đô thị của Phú Quốc và Đà Lạt, tiên quyết là không thể nóng vội, mà cần giãn phát triển khu vực cho cơ sở hạ tầng, trong đó có thoát nước. Đồng thời, gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống thiên tai.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần