Ngày 1/7: Giá xăng sẽ quay đầu giảm?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng ngày 1/7 dự kiến hạ nhiệt sau 7 lần tăng giá liên tiếp. Mức giảm phụ thuộc vào việc điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương – Tài chính.

Ngày mai (1/7) đến kỳ điều hành tiếp theo của giá xăng dầu. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 28/6 với RON 92 là 147,5 USD một thùng, còn RON 95 là 154,77 USD một thùng, giảm nhẹ so với chu kỳ trước.

Giá xăng ngày 1/7 được dự báo sẽ giảm nhẹ. Ảnh: Phạm Hùng
Giá xăng ngày 1/7 được dự báo sẽ giảm nhẹ. Ảnh: Phạm Hùng

Tuần qua giá xăng và dầu thế giới giảm 3-5% nhưng 2 phiên gần đây tăng trở lại. Giá dầu thô Brent giao tháng 8 tăng 2,89 USD (+2,51%) lên 118 USD một thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ cũng đắt hơn 2%, lên mức 111,76 USD một thùng. Sang phiên 29/6, giá WTI tiếp tục tăng do lo ngại nguồn cung thế giới bất ổn.

Do đó, theo tính toán của một số lãnh đạo đầu mối xăng dầu, bình quân giá nhập vào đang giảm khoảng 1-2% so với kỳ trước. Ngày mai (1/7), nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm 50-150 đồng một lít, còn dầu giảm khoảng 200 đồng. Ở chiều ngược lại, nếu dùng Quỹ bình ổn, giá xăng và dầu sẽ đi ngang.

Hiện tại, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước hiện đã tăng 65-70% so với cuối năm 2021, đang đè nặng lên cuộc sống của người dân và DN.

Giải pháp chính để điều tiết giá bán lẻ trong nước là Quỹ bình ổn xăng dầu và các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán lẻ. Với Quỹ bình ổn xăng dầu, từ đầu năm đến nay, quỹ này liên tục được liên Bộ Công Thương - Tài chính chi sử dụng để giảm đà tăng sốc của giá trong nước, với mức chi 100-1.500 đồng một lít, tuỳ mặt hàng.

Bốn kỳ điều hành gần đây, liên Bộ đã dừng trích 300 đồng một lít vào quỹ bình ổn và giảm dần mức chi từ quỹ này với mặt hàng xăng. Mặc dù tổng quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện vẫn dương, song dư địa điều hành để giảm sốc đà tăng từ quỹ này không còn nhiều.

Trong bối cảnh đó, dư địa còn lại để hạ nhiệt giá trong nước chỉ còn thuế, phí. Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu từ ngày 1/8. Theo đó, nếu nghị quyết đề xuất được thông qua giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng/lít (gồm VAT).

Tuy nhiên, trước bối cảnh giá dầu thô có dấu hiệu tăng trở lại, nhiều chuyên gia, DN cho rằng mức đề xuất giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng là quá ít.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính nêu quan điểm, cân đối ngân sách là một trong những lý do lớn khiến cơ quan quản lý thận trọng khi chọn giảm loại thuế nào. Theo tính toán, cả năm ngân sách sẽ giảm hơn 20.300 tỷ đồng khi giảm "kịch kim" thuế bảo vệ môi trường theo thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.