Ngày 26/11, IPO 35,5 triệu cổ phần của LILAMA

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/11, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam sẽ thực hiện bán đầu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 35,5 triệu cổ phần qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) là doanh nghiệp 100% vốn sở hữu Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng quản lý. Hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp, gia công, chế tạo thiết bị cho các công trình công nghiệp và dân dụng, LILAMA đang sở hữu 15 công ty con và liên kết với 7 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí lắp máy, tư vấn thiết kế, bất động sản, xây dựng. 

Mặc dù những năm qua nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, song LILAMA liên tục đổi mới công nghệ, giữ vững và mở rộng sản xuất nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất từ chỗ nhập khẩu máy móc, thiết bị, lắp ráp sang thực hiện tổng thầu (EPC) trọn gói toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật, hoàn thiện bản vẽ thi công, sản xuất các vật tư thay thế hàng nhập ngoại, mua sắm, cung ứng vật tư, thiết bị và thi công xây dựng thi công công trình lớn trên địa bàn cả nước cho các đơn vị thuộc các lĩnh vực: Nhiệt điện, thủy điện, sản xuất xi măng, dầu khí, truyền dẫn phát sóng, các nhà máy sản xuất lớn …
 Gói thầu chế tạo kết cấu thép thuộc Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam thực hiện.
Gói thầu chế tạo kết cấu thép thuộc Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam thực hiện. Ảnh: nguồn internet.
Ngoài ra, Tổng công ty còn tham gia nhiều công trình có quy mô lớn ở nước ngoài như trường Đại học Oran ở Algeria, nhà máy nhiệt điện ở Bulgari, Liên bang Nga và các công trình ở Iraq, Libya,...; đồng thời chế tạo các sản phẩm cơ khí để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, các nước Trung Đông, EU...

Đến nay, LILAMA có thể chế tạo thiết bị trong nước cho các dự án nhà máy xi măng đạt tỷ lệ nội địa hoá đến 70% về khối lượng; cho các nhà máy nhiệt điện đạt từ 40 đến 45% khối lượng. 

Doanh thu của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam năm 2013 là hơn 3.200 tỷ đồng và năm 2014 đạt trên 3.650 tỷ đồng.

Năm 2015, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch của Chính phủ, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với 35,5 triệu cổ phần vào ngày 26/11, tương đương 23,7% vốn điều lệ của Tổng công ty sau cổ phần hóa. 

Nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 35,5 triệu cổ phần và người lao động được mua  2,4 triệu cổ phần; Nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ 76,5 triệu cổ phần của Tổng công ty, tương đương 51% vốn điều lệ.

LILAMA đặt mục tiêu, sau khi cổ phần hóa sẽ duy trì và phát triển mạnh thị phần trong lĩnh vực hoạt động tổng thầu EPC, nhà thầu xây lắp, nâng cao khả năng chế tạo thiết bị đến 85% về khối lượng và đến 70% về giá trị các nhà máy xi măng, 60% khối lượng và 40% giá trị nhà máy điện; đẩy mạnh mở rộng đối tác, thị trường, lĩnh vực chế tạo thiết bị cho các nhà máy điện, xi măng, công nghiệp, tăng tỷ trọng doanh thu chế tạo xuất khẩu đến 60% trong chế tạo thiết bị để tham gia vào chuỗi sản phẩm liên kết toàn cầu và thi công các công trình tại nước ngoài. 

LILAMA dự kiến tổng doanh thu trong 3 năm từ 2016 đến 2018 tăng từ 4.213 tỷ, lên 13.987 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần