Ngày Bảo hiểm y tế 1/7: Chính sách đảm bảo an sinh xã hội bền vững

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, ngành BHXH đã tích cực, nỗ lực vào cuộc trong việc đảm bảo chính sách BHYT – một trong các chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm.

Nhờ đó, chính sách BHYT ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội một cách bền vững. Tất cả hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 95% dân số vào năm 2025.

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Lợi ích thiết thực từ lưới an sinh xã hội

Mới gần 9 tuổi, bé N.Đ.Đ. ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội không may bị xuất huyết nội sọ; chứng nuy (Di chứng bệnh mạch máu não). Qua những lần khám chữa bệnh (KCB), điều trị tại các cơ sở y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, chi phí chữa bệnh cho bé Đ. lên đến hơn 525 triệu đồng. Thế nhưng nhờ tham gia và có thẻ BHYT, bệnh nhi Đ. được quỹ BHYT thanh toán hơn 417 triệu đồng theo quyền lợi và mức hưởng trong quy định.

Trong khi đó, bệnh nhân N.K.K. (76 tuổi) ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội được chẩn đoán mắc bệnh tách thành động mạch chủ (bất kỳ đoạn nào); viêm phổi do Klebsiella pneumoniae; suy tim sung huyết; chảy máu tiêu hóa, không đặc hiệu; loét dạ dày cấp có xuất huyết; bệnh lý tăng huyết áp; rối loạn tuyến giáp, không đặc hiệu; tăng lipid máu hỗn hợp…

Trong 4 tháng đầu năm 2022 khám, điều trị tại các cơ sở y tế, chi phí KCB của bệnh nhân H. lên đến hơn 1,3 tỷ đồng. Bệnh nhân K. được quỹ BHYT thanh toán hơn 1,1 tỷ đồng chi phí KCB nhờ tham gia BHYT. “Nếu không có BHYT, tôi không biết lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để chữa bệnh. Thực sự tôi thấy mình quá may mắn khi tham gia BHYT” - ông K. chia sẻ.

Trường hợp bé Đ., ông K. chỉ là 2 trong số rất nhiều bệnh nhân được hưởng lợi từ BHYT. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, quỹ BHYT đã chi trả cho 25 bệnh nhân nặng có chi phí KCB lên tới cả tỷ đồng. Nhờ tham gia BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua khó khăn do bệnh tật, giảm bớt gánh nặng tài chính. Không chỉ với những căn bệnh đặc biệt mà ngay những căn bệnh thông thường, người có thẻ BHYT cũng được thụ hưởng lợi ích lớn.

Nỗ lực tăng độ phủ BHYT

Nhằm thu hút người dân Thủ đô tham gia BHYT, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu đúng về chính sách BHYT. Đặc biệt, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT nâng cao trách nhiệm, xây dựng giải pháp cụ thể, quyết liệt để triển khai có hiệu quả kiểm soát chi phí KCB BHYT, thường xuyên cập nhật quy trình chuyên môn, quy trình kỹ thuật và các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.

 

Theo Bộ Y tế, hiện ngân sách chưa bảo đảm để người dân được tiếp nhận các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu, chưa có bất cứ can thiệp dinh dưỡng nào được BHYT chi trả. Đồng thời, các chế phẩm chuyên biệt và sản phẩm dinh dưỡng chưa thuộc danh mục chi trả của BHYT. Kế hoạch hành động của Bộ Y tế đặt ra nhiệm vụ trong thời gian tới là sẽ xây dựng các chính sách liên quan đến dinh dưỡng nhằm đáp ứng các vấn đề dinh dưỡng mới nổi và cấp thiết.

Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã thực hiện giải pháp về nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, chất lượng KCB để đáp ứng nhu cầu, sự hài lòng của người dân, giảm thiểu tình trạng người bệnh tự đi KCB tại tuyến tỉnh, tuyến T.Ư.

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cũng chia sẻ, tính đến 25/5, Hà Nội có 7.461.117 người tham gia BHYT, tăng 2,19% tương đương tăng 159.845 người so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,47% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang). Số lượt KCB BHYT là 3.401.892 lượt người bằng 102,4% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, 2.932.186 lượt KCB bệnh ngoại trú; 469,706 lượt điều trị nội trú).

Chi phí KCB BHYT đề nghị thanh toán là 5.857,8 tỷ đồng bằng 101,3% so với cùng kỳ năm 2021. Ước hết tháng 6/2022, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,89% dân số. Số người tham gia BHYT là 7.495.255 người, tăng 2,58% tương đương tăng 188.386 người so với cùng kỳ năm 2021; tăng 6.087 người, tăng 0,08% so với tháng 5/2022; tăng 13.123 người so với tháng 12/2021.

Thời gian qua, BHXH Hà Nội đã chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi KCB sử dụng hình thẻ BHYT trên ứng dụng VssID. Cùng với đó, BHXH phối hợp với các cơ sở KCB BHYT thực hiện quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021 theo đúng hướng dẫn. Số lượt người được KCB theo chế độ BHYT tăng nhanh.

Tính đến hết ngày 31/12/2021 đã có trên 8,6 triệu lượt KCB BHYT (ngoại trú trên 7,4 triệu lượt, nội trú trên 1,2 triệu lượt), trong đó số chi KCB BHYT là 15.723.961 triệu đồng (KCB ngoại trú là 4.639.137 triệu đồng, KCB nội trú là 11.084.824 triệu đồng). Hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, bệnh mạn tính có chi phí điều trị lớn đều đã được BHXH TP thực hiện thanh toán đầy đủ đúng quy định, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Theo BHXH Việt Nam, thời điểm đầu tháng 6/2022, cả nuớc có gần 86,26 triệu người tham gia BHYT, đạt hơn 87% tổng dân số, trong đó có gần 60% số người tham gia do ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ. Tùy từng trường hợp, đối tượng, dịch vụ sử dụng khi khám, chữa bệnh, bệnh nhân BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh ở các mức khác nhau, cao nhất là 100%, thấp nhất là 80%.

Chính sách BHYT đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe cho bản thân. Người tham gia BHYT ngày càng nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT... Số thu BHYT những năm qua có sự gia tăng đáng kể, tỷ lệ nợ đọng cũng có chiều hướng giảm đi theo các năm. Những con số này phần nào minh chứng sự tuân thủ các quy định pháp luật về thực hiện BHYT cũng tốt hơn.

Để đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua BHYT, không có cách nào khác là chúng ta phải phát triển BHYT bền vững, đảm bảo được hai yêu cầu rất cơ bản. Đó là phải bao phủ đến người dân, (BHYT toàn dân) để không ai phải đi KCB mà không có BHYT. Đồng thời, các đơn vị phải bảo đảm bền vững về tài chính, đây là vấn đề rất quan trọng với Việt Nam hiện nay, khi tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT vẫn đang tiếp diễn.

 

Sau đại dịch Covid-19, các chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe được quỹ BHYT hỗ trợ. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định là thuộc Quốc hội vì có liên quan đến Luật BHYT. Do vậy, Chính phủ cần quan tâm đánh giá tình hình và sớm trình Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết kỳ họp này về hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số, người khó khăn.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự mua thẻ BHYT, phân loại các nhóm dân cư có điều kiện kinh tế - xã hội ổn định tốt hơn với nhóm xã hội thực sự khó khăn cần Nhà nước hỗ trợ để mua thẻ BHYT, nhằm đạt mục tiêu BHYT toàn dân và chỉ tiêu Quốc hội giao đến cuối năm 2022 có 92% dân số tham gia BHYT.

Đại biểu Quốc hội Lâm Văn Đoan (Đoàn Lâm Đồng)