Để ý bao nhiêu kỳ cuộc triển lãm đã qua mới thấy, gần như chỉ những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các bức ảnh đen trắng mới có dịp hội ngộ công chúng. Phần lớn những tác phẩm đó là ảnh tư liệu, dù có những bức lần đầu được công bố. Gần đây nhất là cuộc triển lãm nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tại 45 Tràng Tiền, rồi cuộc triển lãm kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang diễn ra tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Còn những cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật thay nhau trình diện trước công chúng, có thể nói là hãn hữu mới có không gian dành cho ảnh đen trắng. Điểm mặt hàng chục triển lãm từ đầu năm đến nay, nào "Tím" diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài; "Trang phục áo dài trong đời sống văn hóa Việt" tại 93 Đinh Tiên Hoàng; rồi "Lập lòe" tại Viện Goethe Hà Nội hồi đầu tháng 3; "Vẻ đẹp Hàn Quốc qua con mắt người Việt"… trước đó. Tất cả đều là ảnh màu, chỉ duy nhất có triển lãm của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Nhân Quyền là sử dụng thể loại ảnh đen trắng. 60 bức ảnh giản dị, mộc mạc về vẻ đẹp con người, quê hương, đất nước không lòe loẹt, nhưng thể hiện nhiều cảm xúc, kỹ thuật nhiếp ảnh, cũng như tấm lòng của nghệ sĩ với ảnh. Như đánh giá của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh: "Triển lãm cho thấy quá trình miệt mài sáng tạo rất đáng trân trọng của tác giả. Bởi hiện nay, hiếm người quay trở lại với ảnh đen trắng truyền thống và tìm tòi những đề tài mới lạ".
Bức ảnh "Hoài niệm" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Nhân Quyền
Dù công nghệ đã bao quanh nghệ thuật nhiếp ảnh và các triển lãm ảnh màu đang lấn át ảnh đen trắng, song không chỉ người trong giới, mà nhiều người xem vẫn thích thể loại này. Thế nhưng, theo ông Khánh, dù thời gian gần đây Hội NSNA Việt Nam đã làm nhiều cách ủng hộ, khuyến khích các tay máy đến với thể loại ảnh đen trắng truyền thống, dường như thể loại ảnh này vẫn không được các tay máy trẻ mặn mà. Vì thế, một thể loại rất đặc trưng của nghệ thuật nhiếp ảnh như đang dần "biến mất" khỏi các cuộc triển lãm đương đại.
Chỉ muốn "ăn xổi"
Lý giải việc các NSNA thờ ơ với ảnh đen trắng truyền thống, NSNA Lê Hồng Linh cho rằng: "Có hai lý do chính khiến nhiều nghệ sĩ không thiết tha với ảnh đen trắng. Một là, khi chụp ảnh đen trắng phải sử dụng máy ảnh cơ, xử lý hậu kỳ trong buồng tối truyền thống mới đẹp. Trong khi đó, hiện nay những hóa chất này không được bán rộng rãi như xưa mà kỹ thuật xử lý hậu kỳ rất khó nên nhiều người ngại làm. Thứ hai, điều kiện chụp ảnh đen trắng rất "kén" thời tiết, nếu không được ngày nắng đẹp, trời trong thì bộ ảnh đen trắng làm ra đôi khi vứt bỏ". Một lý do khác cũng được NSNA Hùng Cường đưa ra là chụp ảnh đen trắng phải rất nhanh nhạy. Vì đôi khi, ánh sáng vào đối tượng là như thế, song chỉ cần chậm tay thao tác một chút là ánh sáng đã thay đổi. Và cái khó là người nghệ sĩ phải biết lấy cái mộc mạc, sự đơn điệu trong màu sắc để tạo chiều sâu cho tác phẩm. Vì thế mà nhiều tay máy không còn để tâm đến "dòng ảnh" này nữa.
Cũng phải nói rằng, nhiều nghệ sĩ trẻ mải mê chạy theo nghệ thuật đương đại của thế giới nên thờ ơ với ảnh truyền thống. Họ thường tổ chức các triển lãm sắp đặt kết hợp ảnh và các tác phẩm điêu khắc, hội họa, sách… mà trong đó luôn làm người xem thấy sự dễ dãi, thậm chí khó hiểu. Và khi nghệ sỹ trẻ - thế hệ tiếp nối, không còn dành tâm sức cho ảnh đen trắng, thì dù thế hệ đi trước có níu kéo thế nào, dòng ảnh này cũng sẽ khó "sống" lại.