Ngày Chiến thắng gây lo lắng

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 đã luôn là một sự kiện quan trọng bậc nhất của nước Nga hàng năm trong hai thập kỷ qua. Nhưng năm nay, đã có những suy đoán từ phương Tây về việc liệu Ngày Chiến thắng có thể đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến Nga - Ukraine chưa thấy hồi kết.

Điểm căng thẳng

Ngày Chiến thắng 9/5 là ngày lễ thiêng liêng đối với người Nga, để tưởng nhớ 27 triệu người Liên Xô đã hy sinh trong Thế Chiến II. Trong khi quân Đồng minh chọn ngày 8/5 là “Ngày V-E” để kỷ niệm ngày Đức Quốc xã đầu hàng ở Reims, Pháp, thì nhà lãnh đạo Liên Xô cũ Joseph Stalin muốn chờ đợi để kỷ niệm thời điểm phát-xít Đức ký vào văn bản đầu hàng ở Berlin do Liên Xô kiểm soát, vào ngày 9/5/1945 theo giờ Moscow.

Diễn tập cho lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở TP Yekaterinburg, miền Trung nước Nga,ngày 25/4/2022. Ảnh: TASS
Diễn tập cho lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở TP Yekaterinburg, miền Trung nước Nga,ngày 25/4/2022. Ảnh: TASS

Trong hơn hai thập kỷ lãnh đạo nước Nga, Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin đã định hướng Ngày Chiến thắng thành một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm, là dịp để củng cố lòng tự hào dân tộc và thống nhất một xã hội vẫn còn ít nhiều chia rẽ.

Các cuộc diễu hành quân sự Ngày Chiến thắng diễn ra ở loạt TP lớn của Nga, với các cuộc diễu hành của những người dân bình thường mang theo di ảnh những người thân đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, sự kiện diễu binh mừng Ngày Chiến thắng hàng năm không chỉ phô bày các loại vũ khí quân sự lịch sử, mà còn bao gồm sự xuất hiện của các hệ thống xe tăng và tên lửa tối tân, thể hiện sức mạnh của quân đội Nga.

Bản thân sự kiện này cũng từng là một điểm căng thẳng giữa Ukraine và Nga vào năm 2015, khi Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ Petro Poroshenko đã chỉ định ngày 8/5 là ngày lễ quốc gia, giống với phần lớn các nước châu Âu.

Đáng chú ý, phát biểu tại Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5 năm ngoái, Tổng thống Putin đã cảnh báo rằng các kẻ thù của Nga đang một lần nữa triển khai “phần lớn ý thức hệ của Đức Quốc xã”. Trong thông báo về chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu hôm 24/2/2022, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố rằng các mục tiêu của nước này sẽ bao gồm “phi quân sự hóa” và “phi phát-xít hóa” quốc gia từng là một phần của Liên Xô cũ.

Do đó, giới chức và truyền thông phương Tây ngay từ ban đầu đã có thiên hướng mô tả chiến dịch của Điện Kremlin như là một sự tiếp nối của cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát-xít của Nga, cáo buộc Tổng thống Putin đang dựa vào niềm tự hào của người dân Nga về chiến thắng trước Đức Quốc xã để tiếp tục hỗ trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Nổi bật hơn cả là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh LBC: “Tôi sẽ không ngạc nhiên rằng có thể ông ấy (Tổng thống Putin) sẽ tuyên bố vào ngày 9/5 này rằng “chúng ta hiện đang chiến tranh với Đức Quốc xã trên thế giới, và chúng ta cần huy động quần chúng Nhân dân Nga”.

Theo dự đoán của ông Wallace, nhà lãnh đạo Nga có thể từ bỏ thuật ngữ “chiến dịch quân sự đặc biệt” và tuyên bố một “cuộc chiến toàn diện”, khi ông dẫn lại lời Tổng thống Putin đã nói trước đó, rằng xung đột ở Ukraine đang biến thành một “cuộc chiến ủy nhiệm” và “về cơ bản, Đức Quốc xã ở khắp mọi nơi. Không chỉ ở Ukraine, NATO đầy rẫy Đức Quốc xã”.

Nhiều kịch bản

Trong cuộc phỏng vấn hôm 3/5 với New Voice Ukraine, Kirill Budanov - người đứng đầu Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine - nói rằng Nga đang chuẩn bị cho một kế hoạch điều động.

“Rosrezerv (Cơ quan Dự trữ Nhà nước Liên bang Nga) hiện đã bắt đầu xác định những gì họ thực sự có sẵn và đang ước tính những gì họ có thể phát hành theo lệnh huy động. Đây là một bước hoàn toàn cần thiết trước khi bắt đầu một cuộc vận động thực sự” - ông Kirill nói.

Khi được hỏi liệu đó có phải là kế hoạch của Điện Kremlin để giành chiến thắng tại Donbass vào ngày 9/5 hay không, người đứng đầu Cục Tình báo cho biết: “Đây là mục tiêu của họ, nhưng sẽ không như vậy. Họ sẽ không có đủ thời gian”.

Trước đó, đã có những suy đoán rằng Moscow có thể sử dụng ngày 9/5 để tuyên bố chiến thắng tại Ukraine, và trong một số khả năng là có thể chấm dứt cuộc chiến. Giáo hoàng Francis gần đây nói rằng, Thủ tướng Hungary Viktor Orban - một trong những nhà lãnh đạo thành viên NATO có quan hệ tốt nhất với Tổng thống Putin ở Trung Âu - đã nói với ông vào tháng 4 rằng “người Nga có một kế hoạch, sẽ kết thúc mọi thứ vào ngày 9/5”.

Nhưng ngay cả khi Tổng thống Putin tuyên bố chiến thắng, điều đó không nhất thiết có nghĩa là chấm dứt các hoạt động hoặc sự hiện diện của Nga ở Ukraine. Chẳng hạn, Nga trước đây cũng đã tuyên bố “toàn thắng” ở Syria, nhưng quân đội nước này hiện vẫn hoạt động ở đó.

Tại Mỹ, CNN cũng đưa tin về khả năng chính quyền Moscow tuyên bố tổng động viên vào ngày 9/5 tới. Mạng tin tức này trích dẫn các tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Anh, cũng như ý kiến của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price - người thừa nhận rằng “có lý do chính đáng để tin rằng người Nga sẽ làm mọi cách để sử dụng ngày này trong nỗ lực tuyên truyền của họ”.

Nhưng không phải ai cũng tin rằng Tổng thống Putin sẽ đi theo con đường này, bởi nó sẽ trái ngược với các khẳng định thành công cho đến lúc này của Moscow và truyền thông Nga về chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.

“Một tuyên bố huy động toàn bộ là rất khó khăn về mặt chính trị đối với ông Putin” - Dmitri Alperovitch, người đồng sáng lập Tổ chức vận động chính sách Silverado có trụ sở tại Washington, nói với Bussines Insider - “Thực tế là nó đồng nghĩa với việc thừa nhận thất bại sau khi đã nói với người dân trong nước về một loạt các chiến thắng được cho là của Nga ở Ukraine, rằng chiến dịch đang diễn ra “theo đúng kế hoạch”.

Ngoài ra, một kịch bản khác của phương Tây về Ngày Chiến thắng của Nga là một tuyên bố chính thức sáp nhập lãnh thổ Ukraine, thậm chí có thể là cả những vùng lãnh thổ được kiểm soát ở Donbass và vùng Kherson ở miền Nam Ukraine.

CNN dẫn lời Michael Carpenter - đại sứ Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) - nói rằng Mỹ có thông tin tình báo “rất đáng tin cậy” cho thấy Nga sẽ cố gắng sáp nhập các nước cộng hòa tự xưng ở Donetsk và Luhansk, đồng thời tạo ra một “nước cộng hòa nhân dân” tương tự ở vùng Kherson.

Ông nói tại một cuộc họp của Bộ Ngoại giao Mỹ: “Các báo cáo nêu rõ rằng Nga có kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga vào giữa tháng 5 và Moscow đang xem xét một kế hoạch tương tự cho Kherson”.

Về phần mình, Nga đã phủ nhận việc Tổng thống Putin sẽ chính thức tuyên chiến hoặc tuyên bố chấm dứt hoạt động của Nga vào ngày 9/5 tới. Thư ký Báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov đã gọi các ý tưởng này là “thứ vô nghĩa” được truyền thông phương Tây lan truyền. Kể từ khi Nga tập trung hàng chục nghìn quân ở biên giới vào năm 2021, đến khi chính thức phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào đầu năm nay, Moscow luôn khẳng định họ không có kế hoạch xâm lược quốc gia láng giềng.

 

"Chúng tôi sẽ long trọng kỷ niệm Ngày Chiến thắng như cách chúng tôi luôn làm." - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói hôm 1/5

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần